Cách đánh vần 'lạ' đối với học sinh lớp 1 khiến phụ huynh hoang mang

Tạp Chí Nhân Đạo
(NĐ&ĐS) - Cách đánh vần trong chương trình giáo dục tiếng Việt dành cho học sinh lớp 1 mới đây gây nhiều lo lắng cho phụ huynh và thu hút sự quan tâm của dư luận.

Được biết, cách đánh vần này được dạy trong cuốn Tiếng Việt Công nghệ Giáo dục lớp 1 (gồm 3 tập, do NXB Giáo dục Việt Nam phát hành). Hiện tại, chương trình phổ thông có 2 bộ sách giáo khoa tiếng Việt lớp 1, một cuốn khác là tiếng Việt lớp 1 (gọi là bộ sách hiện hành). Nhiều phụ huynh có con sắp vào lớp 1 lo lắng không biết dạy như nào, ví dụ các chữ “k”, “qu”, “c” đều đọc là “cờ”.

Thông thường, một âm được ghi lại bằng một chữ cái (a, b, d, đ, e, l, m,...). Tuy nhiên, theo sách Công nghệ Giáo dục lớp 1, một âm ghi lại bằng một chữ, nghĩa là các chữ ghi âm có vai trò như nhau. Do đó, một âm /chờ/ được ghi lại bằng một chữ ch (chữ: chờ) chứ không phải được ghép lại từ 2 chữ c và h. Ví dụ, theo cách đánh vần từ "hạnh" là: /hờ/-/anh/-/hanh/-nặng-/hạnh/; hoặc /a/-/nhờ/-/anh/-/hờ/-/anh/-/hanh/-nặng-/hạnh/ thì giờ học sinh không được đánh vần nữa mà phải đọc là /hanh/-nặng-/hạnh/.

danh-van-tieng-viet-1
Cách đánh vần theo Công nghệ Giáo dục

Cách đánh vần trên được giáo viên dạy theo bộ sách Công nghệ Giáo dục này của Giáo sư Hồ Ngọc Đại đã ra đời từ năm 1986 và được áp dụng từ năm 2013-2014. Đến nay, gần 50 tỉnh, thành phố sử dụng. Tuy nhiên, cứ đến dịp đầu năm học, phụ huynh, giáo viên lại băn khoăn về câu chuyện thay đổi trong cuốn sách này, đặc biệt là cách dạy đọc.

Theo ông Nguyễn Đức Hữu – Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD-ĐT) cho biết, cái lạ trong chương trình phát âm này xảy đến bởi trước đây phụ huynh đã quen với cách đánh vần theo cách đại trà hiện hành. Thực tế nhiều giáo viên và phụ huynh sau khi tiếp cận chương trình này cũng đánh giá là không vấn đề gì.

Đây không phải là chương trình giáo dục phổ thông mới nhưng do lâu nay phụ huynh đã quen với cách đánh vần từ chương trình xưa nên nghe cách đánh vần mới của các cháu thì thấy lạ lẫm, cứ nghĩ là sai. Tuy nhiên từ nhiều năm trước tại các địa phương đang thử nghiệm thì các giáo viên dạy học cho các học sinh đều không xảy ra vấn đề gì.

Thực tế tài liệu Tiếng Việt 1 theo chương trình Công nghệ Giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại đi theo hướng ngữ âm học, áp dụng nhiều năm nay, triển khai dạy học rồi chứ không phải năm nay mới áp dụng, cũng không phải là một vấn đề mới hay mới lạ. Cuốn sách đã được đưa vào sử dụng nhiều năm nhưng vẫn chưa ngã ngũ về việc tranh luận nên nhiều người vẫn chưa ủng hộ mở rộng thực nghiệm theo chương trình này.

"Chương trình Công nghệ giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại nghiêng về ngữ âm học cho nên người ta dạy theo hướng đó và Hội đồng thẩm định quốc gia của Bộ GD-ĐT đã thẩm định là không sai khi đưa ra một cách tiếp cận mới, nhưng khác, hay như các phụ huynh nói là “lạ”, với cách của chương trình đại trà hiện hành. Bộ GD-ĐT đã thẩm định và cũng chấp nhận phương pháp của GS Hồ Ngọc Đại, bởi dạy cho học sinh luật chính tả, tiếp cận theo hướng ngữ âm học" - đại diện Bộ GD-ĐT giải thích.

 "Hội đồng thẩm định quốc gia đã thẩm định và chấp nhận cho phép địa phương nào muốn thì tổ chức dạy học theo tài liệu của chương trình này. Bộ cũng không xác minh đây là trường học nào hay cô giáo nào bởi họ dạy theo yêu cầu của tài liệu Tiếng Việt 1 - Công nghệ giáo dục chứ không dạy ngoài chương trình như một số phụ huynh đã thông tin", ông Hữu khẳng định.

P.Thảo (t/h)