Các nước trên thế giới đẩy mạnh việc sản xuất, thử nghiệm vắc xin ngừa Covid-19

Tạp Chí Nhân Đạo
(NĐ&ĐS) - Trong bối cảnh toàn cầu đã có 19,4 triệu ca mắc Covid-19, trong đó số ca nhiễm mới ngày càng tăng lên, các quốc gia đang ráo riết tiến hành sản xuất và thử nghiệm để hy vọng có thể sở hữu vắc xin sớm nhất và nhiều nhất.

Tại Mỹ, theo kênh truyền hình CNBC, loại vắc xin ngừa Covid-19 có tên mRNA-1273, hiện được đánh giá là triển vọng nhất về quá trình phát triển và sản xuất. vắc xin mang tên mRNA-1273 của Moderna dựa trên kỹ thuật tân tiến, đang là một trong những ứng cử viên nặng ký trong cuộc đua bào chế vaccine của thế giới. 

Ý tưởng đằng sau nền tảng vắc xin mRN là hãy cung cấp vào cơ thể và tế bào người những đoạn mã di truyền của virus mục tiêu. Trong trường hợp của mRNA-1273, các nhà khoa học đã đóng gói những mảnh mRNA của virus SARS-CoV-2 vào các phân tử chất béo ở kích thước nano.

Sau đó, các phân tử này được tiêm vào cơ thể, nơi các tế bào người sẽ dịch mã mRNA để tổng hợp ra protein của virus. Protein của virus không phải virus hoàn chỉnh, bởi vậy khi xuất hiện trong cơ thể người, nó không thể gây bệnh.

Nhưng những đoạn protein này lại vẫn có thể kích hoạt hệ thống miễn dịch, tạo ra các kháng thể để chống lại chúng. Một khi hệ miễn dịch đã được tập huấn với các protein này, chúng sẽ nhận diện được SARS-CoV-2 và tấn công virus khi chúng tổ chức cuộc xâm lược vào cơ thể người qua phổi.

SDD-1334
Các nước trên thế giới đẩy nhanh tốc độ sản xuất, thử nghiệm vắc xin ngừa Covid-19

Vắc xin mRNA-1273 sẽ sớm được bán với giá 37 USD (tương đương khoảng 860 nghìn VND) cho mỗi liều tiêm chủng. Đây là loại vắc xin đầu tiên được thử nghiệm trên người ở Mỹ.

Theo Viện Sức khỏe quốc gia Hoa Kỳ, mỗi người sẽ tiêm 2 liều vắc xin này, như vậy tổng số tiền cho vắc xin sẽ là khoảng 1 triệu 700 nghìn VND. Hiện vắc xin đang trong giai đoạn III thử nghiệm lâm sàng trên người và cũng là giai đoạn cuối trước khi một loại vắc xin được cấp phép. Giai đoạn này dự kiến sẽ chấm dứt vào đầu tháng 10 tới.

Nga là quốc gia đầu tiên dự kiến cấp phép đăng ký vắc xin ngừa Covid-19 vào tuần tới. Thứ trưởng Bộ Y tế Nga Oleg Gridnev cho biết: "Hiện tại, chúng tôi đang hoàn tất giai đoạn 3, giai đoạn (thử nghiệm lâm sàng) cuối cùng. Việc thử nghiệm rất quan trọng. Chúng ta phải hiểu rằng vắc xin cần phải an toàn. Các nhân viên y khoa và người cao tuổi sẽ là những đối tượng đầu tiên được tiêm chủng".

Quá trình thử nghiệm lâm sàng vắc xin này được tiến hành tại 2 cơ sở là Bệnh viện Quân y Burdenko và Đại học Y Quốc gia Moscow Sechenov. Quá trình thử nghiệm lâm sàng bắt đầu từ ngày 18/6 với sự tham gia của 38 tình nguyện viên và tất cả đều đã có miễn dịch sau tiêm thử nghiệm. Nhóm tình nguyện đầu tiên được xuất viện vào ngày 15/7, nhóm thứ hai vào ngày 20/7.

Theo ông Gridnev, mức độ hiệu quả của vắc xin sẽ được công nhận khi người dân có miễn dịch. Đây là vắc xin do Viện nghiên cứu Gamaleya và Bộ Quốc phòng Nga nghiên cứu, phát triển. Vắc xin được kỳ vọng sẽ tạo miễn dịch lâu dài cho con người chống lại Covid-19.

Chính phủ Brazil nhận thấy vắc xin do Đại học Oxford và công ty dược phẩm AstraZeneca PLC của Anh chế tạo là một trong những vắc xin triển vọng nhất đang được các nhà nghiên cứu phát triển trên thế giới. Vắc xin Oxford/AstraZeneca hiện đang được thử nghiệm đối với các tình nguyện viên Brazil trong một nghiên cứu do Đại học liên bang São Paulo dẫn đầu và cũng do Quỹ Lemann tài trợ.

Quỹ Lemann của tỷ phú Brazil Jorge Lemann cho hay, 100 triệu reais (18 triệu USD) sẽ được tải trợ cho phòng thí nghiệm nghiên cứu và phát triển y sinh hàng đầu của Brazil - Quỹ Oswaldo Cruz, hay Fiocruz - để xây dựng nhà máy. Nhà máy dự kiến sẽ sẵn sàng để sản xuất 30 triệu liều vắc xin Covid-19 mỗi tháng ngay từ đầu năm 2021.

Singapore cũng cho phép thử nghiệm lâm sàng vắc xin ngừa Covid-19 trên người. Tuyên bố được đưa ra trong nỗ lực chạy đua sản xuất vắc xin ngừa Covid-19 của Singapore. Những mũi vắc xin đầu tiên dự kiến sẽ được tiêm cho các tình nguyện viên vào tuần tới. 

Vắc xin có tên LUNAR-COV19 là kết quả hợp tác nghiên cứu giữa Trường Y Duke-NUS Singapore với Công ty dược phẩm Arcturus Therapeutics của Mỹ. Đây là loại vắc xin sử dụng tiến bộ mới của công nghệ sinh học. Khác cơ chế với vắc xin truyền thống, vắc xin LUNAR-COV19 chỉ chứa các đoạn vật chất di truyền của virus, thay vì toàn bộ virus. Cơ quan Y tế Singapore cho biết, việc thử nghiệm lâm sàng sẽ được thực hiện kết hợp hai giai đoạn nhằm tăng cường sự linh hoạt và rút ngắn thời gian thử nghiệm.

Theo thông báo của Cơ quan Y tế Singapore, các nhà nghiên cứu và bác sĩ lâm sàng hiện đang sàng lọc những người đã vượt qua các vòng kiểm tra để đảm bảo họ phù hợp với thử nghiệm, dự kiến kéo dài đến tháng 10. Có khoảng 250 tình nguyện viên ở độ tuổi từ 20 - 80 đã đăng ký tham gia và sẽ chỉ có 100 người được chọn để thử nghiệm vắc xin này.

Hiện trên thế giới có khoảng 26 loại vắc xin ngừa Covid-19 đã hoặc được cấp phép thử nghiệm trên người và khoảng 139 loại khác đang trong quá trình thử nghiệm tiền lâm sàng.

Tuy nhiên không thể phủ nhận một thực tế rằng trong một thế giới toàn cầu hóa, các nền kinh tế có sự gắn kết và tương tác lẫn nhau, việc các nước giàu dù tìm cách sở hữu vắc xin vẫn không thể trở thành những "thiên đường an toàn" trước virus, nếu các nước nghèo vẫn đứng trước nguy cơ lây nhiễm.

Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới Tedros Adhanom Ghebreyesus cho rằng sự chia sẻ vắc xin đồng đều là điều kiện cho sự phục hồi toàn cầu: “Một phần hay một số nước không thể phục hồi và trở thành thiên đường an toàn nếu chỉ mình họ sở hữu vắc xin. Họ nên cùng bước với phần còn lại của thế giới. Hãy chia sẻ vắc xin hay các biện pháp khác để giúp thế giới phục hồi cùng nhau, khôi phục kinh tế nhanh hơn và giảm tác động của Covid-19”.

 

Quang Minh (t/h)