Các ngân hàng (NH) thương mại đang tất bật chuẩn bị tiếp quỹ, chống nghẽn máy ATM dịp Tết. Thế nhưng, tình trạng quá tải là khó tránh khỏi khi lượng người rút tiền quá đông trong cùng thời điểm.
Tăng cường thanh toán qua di động
Để đáp ứng nhu cầu rút tiền mặt tăng cao dịp Tết nguyên đán 2018, NH Nhà nước đã yêu cầu các NH thương mại thường xuyên giám sát hoạt động của hệ thống ATM, nhất là tại các KCN-KCX, khu đông dân cư… Các NH phải chủ động phát hiện, xử lý kịp thời các sự cố kỹ thuật, không để ATM hết tiền hoặc ngừng hoạt động; tăng cường ATM lưu động tại các khu vực thường xảy ra tình trạng ATM quá tải.
Theo số liệu thống kê gần nhất do NH Nhà nước công bố, hiện cả nước có hơn 127 triệu thẻ NH các loại, hơn 17.300 máy ATM và hơn 260.000 máy POS. Dù số lượng máy ATM và POS không ngừng tăng nhưng với nhu cầu rút tiền mặt thường tăng đột biến những ngày cận Tết nên tình trạng máy ATM nghẽn, hết tiền vẫn còn xảy ra.
Một trong những giải pháp giảm tải cho ATM dịp Tết được NH Nhà nước đưa ra là khuyến khích người dân sử dụng các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt để giảm lượng chủ thẻ rút tiền trực tiếp tại máy ATM. Cụ thể, thay vì rút tiền mặt, khách hàng có thể thanh toán các hóa đơn dịch vụ, mua sắm qua kênh NH điện tử (Internet Banking, Mobile Banking), cà thẻ tại POS, quét mã QR.
Theo Công ty CP Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS), thanh toán di động qua QR Code là một trong những phương thức thanh toán phổ biến trên thế giới thay thế cho thẻ và tiền mặt. Đến nay, QR Code đã được triển khai bởi 12 NH tại Việt Nam.
Mới đây, Sacombank đã hợp tác triển khai thanh toán bằng mã QR cho thẻ tín dụng Sacombank UnionPay trên toàn cầu. Theo đó, các chủ thẻ tín dụng Sacombank UnionPay có thể dùng thiết bị di động (điện thoại/máy tính bảng) quét mã QR để thanh toán tại các đơn vị chấp nhận thẻ trên toàn cầu. Những chủ thẻ UnionPay phát hành bởi các NH khác trong và ngoài nước cũng sẽ thanh toán được tại các đơn vị chấp nhận thanh toán QR có liên kết với Sacombank.
Trước đó, NH TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) cũng đưa vào sử dụng sản phẩm tiết kiệm online và cho vay cầm cố sổ tiết kiệm online trên ví điện tử Ví Việt nhằm gia tăng tính năng, tiện ích cho khách hàng. Ông Nguyễn Đình Thắng, Phó Chủ tịch HĐQT LienVietPostBank, cho biết với tính năng này, người dùng Ví Việt có thể thực hiện nhiều dịch vụ NH online, như gửi tiết kiệm và vay cầm cố khoản tiền tiết kiệm online bất kể thời gian nào, không cần đến chi nhánh, phòng giao dịch NH. Đây được xem là tính năng hữu ích, hỗ trợ chủ trương thanh toán không dùng tiền mặt.
Thêm tính năng, bảo mật cho chủ thẻ
Với các ứng dụng khác như Internet Banking, Mobile Banking, nhiều NH thương mại cũng không ngừng gia tăng tính năng, bảo mật để khuyến khích thanh toán không tiền mặt.
Chị Nguyễn Mai Anh (ngụ quận 9, TP HCM) cho biết vừa phải ra chi nhánh NH TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) để lấy lại mật khẩu giao dịch Internet Banking. Trước đây, mỗi lần quên mật khẩu, chị chỉ cần vài thao tác là hệ thống của Eximbank sẽ tự động gửi lại mật khẩu qua email. Nhưng gần đây, theo quy định bảo mật mới, khách hàng phải đến chi nhánh, phòng giao dịch để xin cấp lại mật khẩu đăng nhập dịch vụ Internet Banking, Mobile Banking.
Theo các chuyên gia, với tốc độ tăng trưởng mạnh của thị trường điện thoại thông minh, nhu cầu mua sắm trực tuyến của người dùng trên các thiết bị di động ngày càng cao. Tiềm năng phát triển của thanh toán trên di động ở thị trường Việt Nam là rất lớn. Bởi lẽ, đây là phương thức thanh toán không tiền mặt giúp người dùng giảm thiểu thao tác khi giao dịch, hạn chế sai sót, rủi ro trong quá trình mua hàng hóa, dịch vụ.
TS Huỳnh Trung Minh, chuyên gia tài chính NH, cho rằng Việt Nam là thị trường với dân số trẻ, việc tiếp cận công nghệ và dịch vụ ứng dụng công nghệ ở mức cao. Ngay cả hệ thống NH lõi (core banking) của các NH cũng rất hiện đại nên việc ứng dụng, đưa ra các phương tiện thanh toán điện tử để khuyến khích người dùng thanh toán không tiền mặt là xu hướng tất yếu.
Các tổ chức tài chính và NH thương mại cũng dự báo thanh toán qua di động sẽ là xu hướng ngày càng phổ biến ở Việt Nam. Theo Vụ Thanh toán - NH Nhà nước, đến nay, Việt Nam đã có trên 41 NH thương mại triển khai cung ứng dịch vụ thanh toán qua điện thoại di động với số lượng, giá trị giao dịch tăng trưởng nhanh. Thống kê trong 9 tháng đầu năm 2017 cho thấy số lượng thanh toán qua điện thoại di động đạt trên 90 triệu giao dịch, với giá trị đạt trên 423.000 tỉ đồng...
Dịch vụ thanh toán Samsung Pay sau hơn 2 tháng ra mắt (tháng 9-2017) đã có hơn 100.000 người dùng, 50.000 thẻ được đăng ký và hơn 50.000 giao dịch được thực hiện. Thay vì phải mang theo ví tiền hay nhiều loại thẻ NH, chủ thẻ chỉ cần điền thông tin hoặc chụp lại các thẻ NH, cài đặt vào máy, mỗi lần thanh toán chỉ cần một cú chạm nhẹ là có thể được đáp ứng ngay lập tức mọi nhu cầu. Đại diện Samsung Việt Nam cho biết hãng đang hợp tác với các đối tác chiến lược NAPAS, VISA và MasterCard cùng các NH lớn tại Việt Nam như: Vietcombank, VietinBank, Sacombank, BIDV, Sinhan Bank, Citi Bank, ABBANK nhằm mang lại nhiều tiện ích cho người dùng…