Hiện nay diễn biến thời tiết, khí hậu phức tạp, các hiện tượng thời tiết cực đoan xuất hiện ngày càng nhiều có thể gây thiệt hại lớn về người, tài sản. Nhằm chủ động trong công tác phòng ngừa, ứng phó trước mọi diễn biến của thời tiết, thiên tai, các địa phương cần theo dõi chặt chẽ các bản tin dự báo, cảnh báo về diễn biến thời tiết, thiên tai; khẩn trương triển khai các biện pháp phòng ngừa, ứng phó phù hợp với đặc điểm của từng địa phương; đồng thời hướng dẫn nhân dân chằng chống, gia cố nhà ở để hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa, dông, lốc gây ra.
Thời tiết nguy hiểm ảnh hưởng đến đời sống dân sinh
Theo tin từ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, đêm 11/5 và ngày 12/5, khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa vừa và dông, cục bộ có mưa to với lượng mưa từ 20-40mm, có nơi trên 90mm, trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Mưa lớn cục bộ có khả năng gây ra lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc và tình trạng ngập úng tại các vùng trũng, thấp.
Theo báo cáo chính thức của UBND huyện Ba Vì (Hà Nội), đêm 12/5, trên địa bàn có mưa to, lượng mưa tại các khu vực trung bình khoảng 100 mm. Do lượng mưa lớn, nước dồn về nhiều, dẫn đến khu vực taluy dương - nơi có tường nhà ông Trần Việt Anh (thôn 6, xã Ba Trại) bị đổ sập. Thời điểm xảy ra vụ việc là khoảng 22 giờ 20 phút ngày 12/5. Vụ việc khiến 3 cháu đang chơi gần đó tử vong.
Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lào Cai cho biết, trận mưa lớn kèm dông lốc xảy ra từ chiều tối 12/5 đến sáng 13/5 trên địa bàn tỉnh đã gây nhiều thiệt hại về cơ sở hạ tầng. Hàng trăm nhà dân cùng nhiều diện tích sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng.
Văn Bàn là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong đợt thiên tai này. Về nhà ở, toàn tỉnh có 119 nhà bị thiệt hại, riêng Văn Bàn có 104 nhà ảnh hưởng với mức độ từ 30% đến trên 70%. Trong sản xuất nông nghiệp, huyện có trên 34ha lúa, ngô bị thiệt hại. Ngoài ra, huyện Văn Bàn có 3ha rừng trồng bị thiệt hại ở mức độ từ 50% đến 70%.
Hệ thống cơ sở hạ tầng tại Văn Bàn cũng bị thiệt hại nặng do dông lốc. Tuyến đường thôn Xuân Tiến, xã Võ Lao bị gãy sập đoạn đường bê tông xi măng rộng 3m, chiều dài khoảng 25m. Tuyến đường Ta Khuấn, Khe Van, xã Sơn Thủy sạt lở ta luy dương khoảng 5m3. Trường Trung học Cơ sở xã Hòa Mạc bị sập đổ tường rào với chiều dài 60m. Điểm trường Mầm non Mai Hồng 2, xã Tân An bị tốc mái 2 phòng học, khoảng 50m2 mái tôn; nhà văn hóa xã Võ Lao bị tốc mái.
Ngoài ra, dông lốc đã làm tốc mái 84m2 Trường Mầm non Hoa Đào, thị trấn Phố Lu và làm đổ gãy 30m tường rào Trường Trung học Phổ thông số 1 của huyện Bảo Thắng; tốc ngói nhà Văn hóa xã Bản Qua, Bát Xát; sạt lở khoảng 38m bê tông thủy lợi tại thôn Trung La, xã Bản Phố (Bắc Hà); sập hoàn toàn 1 nhà để xe, chập cháy 1 cột điện (Bát Xát); đổ gãy 1 cột điện 0,4 KV (Bắc Hà). Một số cây xanh đô thị bị gẫy đổ tại huyện Bát Xát, Văn Bàn, Bảo Thắng.
Tổng giá trị thiệt hại ước trên 6,2 tỷ đồng. Các địa phương đã huy động lực lượng tại chỗ giúp đỡ các gia đình dọn dẹp vệ sinh, gia cố lại nhà ở, khắc phục thiệt hại về sản xuất nông nghiệp; khắc phục tạm thời đường giao thông cùng các công trình hạ tầng khác để ổn định đời sống.
Do ảnh hưởng của áp cao lục địa nén rãnh áp thấp, kết hợp với hội tụ gió trên cao hoạt động mạnh nên từ đêm 12 đến trưa 13/5, nhiều khu vực trên địa bàn tỉnh Yên Bái có mưa rào, cục bộ có mưa to đến rất to và dông. Lượng mưa phổ biến từ 30 - 50mm, một số nơi như, Thác Bà 86,0mm, Hồng Ca 83,6mm, Mỏ Vàng 81,6mm...
Mưa lớn cùng dông lốc đã làm hỏng, tốc mái gần 100 ngôi nhà, tập trung chủ yếu tại huyện Văn Yên. Thống kê của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Yên Bái cho thấy, trên địa bàn huyện có 93 nhà bị hư hỏng, tốc mái, chủ yếu ở xã Châu Quế Thượng 52 nhà, xã Phong Dụ Thượng 30 nhà...
Mưa lớn gây thiệt hại, ảnh hưởng gần 145 ha lúa, ngô, hoa màu, gần 1ha cây lâm nghiệp tại xã Mỏ Vàng và gần 3.000 m2 vườn ươm cây dâu giống tại xã Đại Phác và xã Đông Cuông. Mưa lớn làm đổ 7 cột điện, 20m tường rào, 7 cây to và ảnh hưởng cơ sở vật chất một số điểm Trường Mầm non ở Châu Quế Thượng.
Trước tình hình trên, UBND tỉnh Yên Bái đã chỉ đạo Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh và huyện Văn Yên khẩn trương kiểm tra, huy động lực lượng tại chỗ khắc phục thiệt hại, đảm bảo ổn định đời sống nhân dân. Đến nay, cơ bản các hộ có nhà ở bị tốc mái đã được khắc phục. Đồng thời, duy trì công tác trực 24/24 giờ, theo dõi chặt chẽ các bản tin dự báo, cảnh báo; thông tin kịp thời đến người dân biết, chủ động phòng tránh và báo cáo tình hình mưa bão theo quy định.
Trong đêm 12/5, rạng sáng 13/5, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên xảy ra mưa to đến rất to, trong cơn mưa kèm theo dông lốc, sét và gió giật mạnh, làm thiệt hại về tài sản khoảng 1,7 tỷ đồng, rất may là không có thiệt hại về người.
Thành phố Thái Nguyên là địa phương bị ảnh hưởng nặng với giá trị thiệt hại khoảng 1,45 tỷ đồng. Trong đó, tại xã Phúc Trìu có gần 20 ngôi nhà bị tốc mái, 10 ha lúa bị thiệt hại. Đặc biệt, Trường Mầm non xã Phúc Trìu bị đổ 1 trụ cổng chính và 1 biển tên trường kết cấu tôn hộp; Trường Tiểu học Phúc Trìu bị tốc mái toàn bộ 10 phòng học diện tích khoảng 550m2, hư hỏng nhà để xe của học sinh, nhà vệ sinh… Nhiều tài sản trong phòng học cũng bị thiệt hại như: 10 quạt trần, 30 quạt treo tường, 3 tivi 65 inch, 34 giá vẽ, 1 đàn organ, 5 bàn giáo viên, 85 bộ bàn ghế học sinh, 105 bộ đồ dùng học sinh… Thiên tai cũng gây thiệt hại tại địa bàn huyện Đại Từ với gần 20 ha lúa, 13 ha hoa màu, 3 ha chè…; làm chết 90 con lợn và 300 con gia cầm, hàng trăm mét đường liên xóm bị sạt lở, 12m cầu tràn liên xóm và 1 cầu dân sinh bị hư hỏng.
Chủ động đề phòng các hiện tượng thời tiết nguy hiểm
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, trong tháng 5/2024, hiện tượng nắng nóng và nắng nóng gay gắt trên cả nước dự báo xuất hiện nhiều hơn so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ, trong đó một số ngày dự báo sẽ xuất hiện nắng nóng đặc biệt gay gắt. Tuy nhiên trong thời kỳ dự báo trên, người dân cũng cần đề phòng các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như mưa dông kèm theo lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh, đặc biệt là vào thời điểm chiều và đêm.
Phó Trưởng phòng Dự báo khí hậu (Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, Tổng cục Khí tượng thủy văn) Nguyễn Đức Hòa lưu ý, trong thời kỳ dự báo từ nay đến ngày 30/5, mưa dông cũng có xu hướng gia tăng dần ở khu vực Bắc Bộ. Tại khu vực Tây nguyên và Nam Bộ, trong giai đoạn 10 ngày cuối tháng 5/2024, gió mùa Tây Nam ở phía Nam có xu hướng hoạt động mạnh dần nên mưa có khả năng gia tăng hơn. Do đó trên phạm vi toàn quốc cần tiếp tục đề phòng các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như mưa dông kèm theo lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh có thể ảnh hưởng lớn đến sản xuất và các hoạt động dân sinh.
Nhằm chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai ban hành văn bản số 179/VPTT gửi Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ về việc ứng phó với mưa dông, mưa lớn kèm lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.
Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai đề nghị Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố nêu trên theo dõi chặt chẽ các bản tin cảnh báo, dự báo thiên tai, thời tiết để thông báo, hướng dẫn kịp thời, thường xuyên cho các cấp chính quyền, người dân chủ động phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại; sẵn sàng lực lượng tại chỗ để kịp thời hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả (nếu có).
Các tỉnh, thành phố khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chủ động khơi thông dòng chảy, tổ chức di dời, sơ tán người dân khi có tình huống xảy ra.
Các địa phương chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp với đài truyền hình cấp tỉnh, các cơ quan thông tin truyền thông, nhất là tại cơ sở tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn người dân cách nhận biết, kỹ năng ứng phó mưa dông kèm lốc, sét, mưa đá, gió giật mạnh và mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất để giảm thiểu thiệt hại (một số tài liệu tham khảo đã được Ban Chỉ đạo xây dựng và đăng tải trên website:phongchongthientai.mard.gov.vn/Pages/Tai-lieu-truyen-thong-pctt.aspx). Đồng thời, các địa phương tổ chức thường trực, theo dõi chặt chẽ tình hình diễn biến thời tiết, thiên tai, thường xuyên tổng hợp báo cáo về Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai.