Tình trạng thừa - thiếu giáo viên cục bộ khắp nơi
Cả nước đang có khoảng 35.000 giáo viên phổ thông dư thừa và khoảng 10.000 sinh viên sắp ra trường chưa có việc làm. Dự kiến đến năm 2020 cả nước sẽ có khoảng hơn 70.000 sinh viên Sư phạm rơi vào tình trạng thất nghiệp. Tuy nhiên theo thống kê, hiện nay nước ta thiếu gần 76.000 GV các cấp trong đó mầm non thiếu đến 40.000 GV.
Nói về bậc mầm non, theo thống kê từ Bộ GD-ĐT, cả nước có gần 310.000 GV mầm non và nếu so với định mức mà Bộ GD-ĐT, Bộ Nội vụ đã thống nhất thì số GV mầm non còn thiếu là khoảng 40.000 người.
Đặc biệt GV mầm non hiện nay đang thiếu rất nhiều ở các địa phương, đặc biệt tại các tỉnh vùng núi và ĐBSCL. Theo thống kê, chỉ riêng tỉnh Hà Tĩnh, GV mầm non đang thiếu khoảng 800 GV, 1.200 trẻ không được nhập học vì thiếu GV cũng như trường lớp giảng dạy.
Đối với bậc tiểu học, số GV đang thiếu khoảng 19.000 GV, bậc THCS thiếu 10.000 GV nhưng lại thừa đến 12.000 người, bậc THPT thiếu trên 3.000 GV. Về thực trạng này, Bộ GD-ĐT nhận định việc thừa - thiếu lại xảy ra ngay trong nhà trường, tại huyện và tỉnh. Số lượng GV thừa môn này nhưng lại thiếu môn khác.
Thêm vào đó, để xảy ra tình trạng này, nhiều địa phương phản ánh từ năm 2015 đến nay địa phương không được giao chỉ tiêu biên chế dẫn đến tình trạng thiếu GV tại các cấp học. Theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa, công tác quy hoạch, dự báo tại các địa phương vẫn còn nhiều hạn chế nên dẫn đến tình trạng thừa thiếu cục bộ GV, thừa THCS, THPT nhưng lại thiếu ở mầm non và tiểu học.
Vì thiếu - thừa như vậy nên ở cấp mầm non rất thiếu GV nhưng không có chỉ tiêu tuyển dụng, dẫn đến tình trạng thiếu GV từ năm này sang năm khác không được khắc phục. Lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho rằng, số lượng GV thừa - thiếu cũng như quy mô học sinh từng cấp học là những con số có thể tổng hợp, thống kê từ trước nhưng một số địa phương đã không chủ động xử lý nên đã dẫn đến tình trạng nơi thừa, nơi lại thiếu.
Giải quyết triệt để tình trạng thừa thiếu giáo viên
Để giải quyết tình trạng thừa thiếu GV các cấp, nên đã áp dụng hình thức luân chuyển, nghĩa là luân chuyển giữa các vùng miền chứ không phải luân chuyển cấp bậc giảng dạy. Hiện nay tại các khu vực miền núi, vùng sâu vùng xa và khu vực ĐBSCL vẫn đang thiếu giáo viên, vì vậy áp dụng phương pháp điều động cần phải đảm bảo chế độ. Đặc biệt những GV điều chuyển phải là những người đã công tác tại những khu vực thuận lợi nhiều năm và nhà trường phải cam kết cho GV được trở lại sau khi hết thời hạn.
Một giải pháp cũng cần sớm được thực hiện là sửa đổi quy định phân cấp tuyển dụng giáo viên hiện nay. Những “lỗ hổng” (đã được cơ quan Thanh tra chỉ ra) trong thẩm quyền tuyển dụng giáo viên là một nguyên nhân khiến đội ngũ giáo viên dôi dư ngày càng “phình” ra.
Nhưng về lâu dài, nhất thiết ngành Giáo dục cần quy hoạch phát triển nguồn nhân lực của ngành một cách dài hơi hơn dựa trên những nghiên cứu khoa học. Có như vậy mới giải quyết tận gốc nghịch lý thừa-thiếu giáo viên như lâu nay.
Chất lượng GV quyết định chất lượng giáo dục, chính vì vậy để giải quyết triệt để tình trạng thừa thiếu, mất cân đối cần phải có một lộ trình thích hợp gắn liền với chương trình đào tạo, điều kiện giảng dạy, cơ sở vật chất, sách giáo khoa… Đặc biệt chế độ đối với GV cần phải được quan tâm, tăng cường năng lực đội ngũ quản lý, giáo dục tại địa phương.
Đặc biệt Bộ GD – ĐT cần phải phối hợp chặt chẽ với các địa phương nhằm đẩy mạnh công tác quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ GV, tuyển dụng, sử dụng GV các cấp phù hợp với nhu cầu thực tế tại địa phương. Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng thiếu sâu sát, buông lỏng quản lý dẫn đến tình trạng thừa thiếu nhân lực.