Chạy dọc đường huyền thoại Hồ Chí Minh đoạn đi qua tỉnh Bình Phước đến ngã ba Sao Bọng, huyện Bù Đăng rẽ vào con đường đất bột đỏ khoảng 20 km, chúng tôi đến được cái nơi gọi là Tiếng chày trên Sóc Bom Bo và các xã lân cận.
Đến nơi, khác với khung cảnh trên đoạn đường đi vào vì xung quanh toàn là các vườn điều nặng quả, xanh mát, mùi hoa điều thơm chát dễ chịu. Xa xa có vài người phụ nữ, vài đứa trẻ con chạy quanh gốc điều nhặt quả điều rụng. Hỏi thăm cán bộ xã thì chúng tôi được biết đó là những người làm thuê từ nơi khác đến nhặt điều thuê.
Vừa đầu mùa, gia đình chị Kim Thị Sa Thanh từ Ninh Thuận tới xã đường 10 huyện Bù Đăng, Bình Phước dựng lán làm công. Đồ đạc, vật dụng sinh hoạt rất đơn sơ đủ để phục vụ cuộc sống 2 vợ chồng cùng đứa con gái 4 tuổi.
Chị Thanh cho biết: “Không biết nhặt điều thuê có dư không vì đây là mùa đầu tiên tôi lên làm. Gia đình tôi có ba đứa con, hai đứa ở nhà, con bé 4 tuổi thì đi theo vợ chồng tôi. Muốn cho con đi học nhưng gia đình chưa có điều kiện. Mình vô đây thì ăn gói ghém, kiếm rau rừng ăn để tiết kiệm tiền”.
Chị Hán Thị Kim Hát (SN 1984), quê huyện Minh Phước, tỉnh Bình Thuận, là người đồng bào Chăm cho hay: “Gia đình tôi gồm 5 người, có 3 con nhỏ. Do ngoài quê không có nghề nghiệp ổn định nên vợ chồng rủ nhau đi làm thuê khắp nơi. Mùa thu hoạch quả điều thì vợ chồng tôi đến tỉnh Bình Phước làm. Tôi và các cháu thì cùng nhau đi vào các vườn điều lớn xin các chủ vườn cho nhặt quả mỗi ngày cũng kiếm được 500.000 đồng. Chồng tôi thì đẩy xe rùa chở các sản phẩm điều nhặt được tập trung một chỗ cho chủ vườn cũng được 300.000 đồng. Hết mùa điều, cộng với tiền mót điều nữa vợ chồng tôi cũng dư được 1 cây vàng".
Anh Ba Trung Kiên đến từ tỉnh Trà Vinh là người đồng bào Khơ Me vừa tắm cho hai con nhỏ vừa kể: “Tôi đã đến huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước bốc vác điều mướn được gần chục mùa rồ. Lúc đầu tôi lên đây làm một mình. Từ mùa điều năm thứ 2 trở đi tôi cưới vợ rồi đưa vợ lên đây phụ tôi làm luôn. Vợ tôi ngày nào có người mướn bẻ điều thì bẻ, không thì ai mướn mần gà, mần vịt, dọn đồ cúng vợ tôi làm luôn. Tiền công nhặt điều mới 2 mùa thôi mà tôi đã mua được 1 công ruộng ở dưới quê rồi đó”.
Những người làm thuê khi đến đây, dựng lên những khu lán, trại tại những khu đất trống chưa sử dụng của địa phương. Khó khăn nhất là nguồn nước sinh hoạt. Họ phải đi vào các nhà dân xin hoặc ra suối tắm giặt. Đến thăm một khu lán trại tập trung của gần 200 lao động. Họ là nhưng người đồng bào Chăm, Khơ me đến từ nhiều vùng miền khác nhau.
Những người làm thuê này thường đi theo đoàn, mỗi đoàn khoảng 50 người. Ông Ba, một trưởng đoàn cho hay: “Tôi là người đứng ra tổ chức lo mọi điều kiện sinh hoạt và sắp xếp công việc cho những lao động này khi đến đây. Tôi làm công việc này đã 15 năm nay. Việc điều công do tôi sắp xếp với các chủ vườn. Hàng năm là phải lên như vậy, lên lượm điều thuê. Ở đây, chính quyền cũng tạo điều kiện trật tự an ninh cũng an toàn. Đất này là đất của người ta, mình đi xin cho bà con tá túc thu hoạch hết mùa điều là đi về”.
Mỗi ngày, những lao động này chia nhau đi nhặt điều tại các vườn từ sáng đến tối. Ai nhặt điều lâu năm thì được tính theo công nhật, 200 – 300.000 đồng/ngày. Người mới sẽ tính theo khối lượng 2.500 đồng/kg hạt điều.
Vấn đề cần quan tâm nhất ở đây là các cháu nhỏ đang độ tuổi đến trường đa số không biết chữ. Nguyên nhân, các cháu từ lúc sinh ra đã theo cha mẹ lang thang làm thuê khắp nơi, không ở một nơi ổn định nên không thể đến trường. Cha mẹ các cháu cũng không biết phải xoay sở ra sao.
Ông Trịnh Bá Hiệp – Công an thường trực xã Đường 10, Bù Đăng, Bình Phước trao đổi với phóng viên: “Chính quyền địa phương thường chủ động đến các lán trại hướng dẫn, tuyên truyền pháp luật, giúp bà con làm thủ tục lưu trú, để họ an tâm đi thu mùa cho người dân”.
Mùa điều đang chín rộ, huyện Bù Đăng lại tấp nập người ở mọi miền đổ về.