Bộ trưởng Nông nghiệp yêu cầu kiểm soát các loại thuốc bảo vệ thực vật

Tạp Chí Nhân Đạo
(NĐ&ĐS) - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) - Nguyễn Xuân Cường yêu cầu tổ chức kiểm soát chặt chẽ thuốc BVTV tự do lưu hành, tự do nhập khẩu và nâng cao ý thức của người sử dụng thuốc BVTV.

Mỗi năm, Việt Nam sử dụng khoảng 100.000 tấn thuốc bảo vệ thực vật. Đây cũng là nhóm thuốc gây độc hại cho sản phẩm và môi trường. 

Số lượng nhà máy sản xuất (735 nhà máy) cũng như sản phẩm phân bón (gần 20.000 sản phẩm) đang rất lớn và mất cân đối, chủ yếu là phân bón vô cơ. Bên cạnh đó, hiện tại đang còn khoảng 200 chỉ tiêu chất lượng bao gồm cả vi sinh và hóa lý đã được công bố trong các sản phẩm phân bón nhưng không có phương pháp thử được phê duyệt trong nước đã tạo ra áp lực không nhỏ cho công tác quản lý nhà nước.

12745700404-NLD
Lạm dụng thuốc BVTV vẫn còn diễn ra.

Trải qua gần 60 năm hình thành phát triển, hệ thống ngành Bảo vệ thực vật (BVTV) đã bảo vệ tốt năng suất cây trồng, ngăn chặn các dịch hại trên cây trồng, góp phần đưa nền nông nghiệp đất nước vốn thiếu lương thực trầm trọng trở thành quốc gia hàng đầu về xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp với tổng giá trị 36,2 tỷ USD năm 2017. Trong đó, riêng ngành trồng trọt chiếm tới hơn 20 tỷ USD về kim ngạch xuất khẩu.

Tuy nhiên, hiện nay, ngành BVTV đang đứng trước tình hình mới, phải đối mặt với một số vấn đề như: Biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp. Bên cạnh đó, đời sống kinh tế ngày càng cao, nhu cầu được sử dụng thực phẩm an toàn của người tiêu dùng trong nước cũng tăng theo.

Ngoài ra, trong bối cảnh các hiệp định thương mại tự do đã và đang được ký kết từ cấp song phương đến châu lục và liên châu lục thì rào cản kỹ thuật đang được các nước sử dụng triệt để như một biện pháp bảo vệ sản xuất trong nước của họ

Thực tế hiện nay, việc loại bỏ thuốc BVTV ra khỏi danh mục gặp rất nhiều khó khăn. Hơn nữa, số lượng thuốc BVTV trong danh mục hiện nay còn đang mất cân đối, chủ yếu là thuốc phòng trừ sâu bệnh trên cây lúa, các đối tượng cây trồng khác chưa được tập trung phát triển.

Mặc dù thời gian gần đây đã có nhiều chuyển biến tích cực trong vấn đề sử dụng thuốc BVTV và phân bón nhưng việc lạm dụng thuốc BVTV hóa học và phân bón vô cơ của người dân vẫn đang rất đáng báo động, việc sẽ dẫn đến các nguy cơ về mất ATTP, gây ô nhiễm môi trường, thoái hóa đất và đặc biệt là tình trạng kháng thuốc của sinh vật gây hại.

Quản lý tốt hơn vấn đề về thuốc BVTV trong thời gian tới

Năm nay, Việt Nam phấn đấu xuất khẩu nông sản hướng đến mốc 40 tỷ USD. Tuy nhiên, chúng ta vẫn có những lô hàng bị trả về và bị cảnh báo về dư lượng thuốc BVTV. Trên bình diện chung, chúng ta đã có rất nhiều cố gắng, nông sản Việt Nam đáp ứng được yêu cầu phục vụ trong nước và xuất khẩu. Tuy nhiên, nền nông nghiệp hiện nay vẫn dựa trên quy mô nhỏ lẻ, phân tán. Chính vì vậy, việc quản trị từng khâu, từng quy trình không thể đồng nhất 100% . Do đó, tình trạng nông sản chưa đảm bảo chất lượng vẫn xảy ra.

1_101797
 Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, trách nhiệm của ngành nông nghiệp là tạo ra sản phẩm nông sản xuất khẩu an toàn phục vụ cho 93 triệu dân và hướng đến xuất khẩu.

Ngành nông nghiệp phấn đấu đến năm 2021, tăng lượng phân bón hữu cơ sản xuất công nghiệp để sử dụng trong nước ít nhất là 3 triệu tấn/năm và xuất khẩu đạt 0,5 triệu tấn/năm; tăng tỷ lệ sản phẩm phân bón hữu cơ so với tổng số sản phẩm phân bón từ 5% hiện nay lên 10%.

Rút ngắn 30% số lượng tên thương phẩm trong Danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam; tăng 30% lượng thuốc BVTV sinh học được đăng ký và sử dụng.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết "cần phải giảm lượng thuốc BVTV. Trong đó, cần phải kiểm soát chặt thuốc nhập lậu qua biên giới. Song song với đó, phải chấn chỉnh mạng lưới thuốc BVTV, phải minh bạch và nhà nước phải quản lý thông qua các chi cục BVTV địa phương". 

Cần có những giải pháp quyết liệt và đồng bộ để đảm bảo an toàn nông sản. Trong đó, đối với nhóm 10 sản phẩm nông sản chủ lực quốc gia xuất khẩu trên 1 tỷ USD phải quy hoạch vùng và chú trọng quản trị chất lượng.  

Thùy Linh