Bộ trưởng Đào Hồng Lan thông tin về tình trạng thiếu máu ở Cần Thơ

Đặng Thu Hằng
Tại phiên thảo luận tại hội trường về kinh tế - xã hội của Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV ngày 1/11, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đã giải trình, làm rõ tình trạng thiếu máu tại Cần Thơ.

Thông tin về tình trạng thiếu máu điều trị ở Cần Thơ và các tỉnh miền Tây Nam Bộ, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết, từ tháng 6/2023, bệnh viện Huyết học - Truyền máu Cần Thơ thông báo khó khăn trong việc cung cấp máu, chế phẩm máu cho các bệnh viện trong khu vực.

Để giải quyết vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết đã có 5 văn bản chỉ đạo và giao nhiệm vụ cho Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, Trung tâm máu quốc gia, Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Truyền máu - Huyết học TPHCM, Bệnh viện Chợ Rẫy và các trung tâm truyền máu khác đảm bảo hỗ trợ cho Cần Thơ và các tỉnh phía Nam. Đến nay, theo số liệu báo cáo của Bệnh viện Huyết học - Truyền máu thành phố Cần Thơ đã cung cấp được cho 74 bệnh viện trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long với gần 65.000 đơn vị máu.

z48387486367981c15e348e2d8350d0472cab284c8f726-1698830399490552198581-1698859980.jpeg
Bộ trưởng Đào Hồng Lan giải trình trước Quốc hội về vấn đề thiếu thuốc, vật tư y tế. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Bộ cũng đã phối hợp với Ban Chỉ đạo quốc gia vận động hiến máu tình nguyện, Hội Chữ thập đỏ để huy động máu đáp ứng cho các địa phương trong vùng.

Tuy nhiên, theo bà Lan đến ngày 30/10, Cần Thơ vẫn báo cáo tình trạng thiếu máu. Nguyên nhân chủ yếu là do khó khăn, vướng mắc liên quan đến đấu thầu tại địa phương. “Bộ Y tế sẽ cùng với các đơn vị sẽ tiếp tục hỗ trợ máu cho khu vực này”, bà Lan cho biết.

Để khắc phục tình trạng này, Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị các tỉnh chỉ đạo quyết liệt thực hiện việc mua sắm, đấu thầu đảm bảo đúng quy định. “Rõ ràng có cùng một chính sách, có nơi làm tốt, có nơi còn vướng mắc. Rất mong các địa phương quan tâm chỉ đạo để thực hiện việc mua sắm, chủ động từ việc xây dựng kế hoạch, nhân lực, rồi thực hiện các vấn đề phối hợp làm sao đảm bảo được nhịp nhàng”, bà Lan kiến nghị.

Bên cạnh đó, người đứng đầu Bộ Y tế cũng giải trình về tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế.

Tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị vật tư y tế tại cơ sở y tế công lập xuất hiện nhiều hơn sau đại dịch COVID-19, bên cạnh các nguyên nhân khách quan thì còn các nguyên nhân chủ quan trong đó nguồn cung nguyên liệu, hoạt chất trên thế giới khan hiếm, vấn đề biến động giá cả trên quy mô toàn cầu, vấn đề lạm phát, khủng hoảng năng lượng, ảnh hưởng xung đột quân sự… làm tăng cao chi phí đầu vào của việc sản xuất dược phẩm. Giá thành sản phẩm tăng cao, chuỗi cung ứng gián đoạn, thiếu động lực khuyến khích các nhà sản xuất, sản xuất các loại thuốc mang lại ít lợi nhuận hơn...

Về bảo đảm nguồn cung thuốc và trang thiết bị y tế trên thị trường, Bộ Y tế tập trung đưa nhanh tiến độ cung cấp thuốc giới hạn, đăng ký lưu hành thuốc và thiết bị y tế. Đến đây, việc phát triển đồng bộ các giải pháp đã đạt được kết quả tích cực bước đầu, mặc dù vẫn còn tình trạng thiếu thuốc cục bộ tại một số cơ sở y tế địa phương. Theo báo cáo của 1.078 cơ sở y tế trên toàn quốc, trong tháng 10/2023 có 61,41% đơn vị báo cáo đã đủ cung ứng thuốc cho hoạt động khám, chữa bệnh; 38,59% đơn vị báo cáo có tình trạng thiếu cục bộ.

TH