“Khóc thét” vì chữ quá xấu
Ngày 9/1, bức ảnh về một bài kiểm tra môn văn của học sinh lớp 8 với chữ viết ngả nghiêng không thể dịch nổi được lan truyền trên mạng. Chỉ sau vài giờ đăng tải, bài kiểm tra đã thu hút hàng nghìn lượt like và hàng trăm chia sẻ. Nhiều người đua nhau dịch bài văn nhưng chữ được chữ không bởi nét chữ đổ về một phía như… sắp ngã. Bài văn được giáo viên chấm điểm 4 với lời phê “Chữ viết cẩu thả”.
Theo hình ảnh được đăng trên mạng xã hội, bài kiểm tra này của học sinh T, lớp 8A1, Trường THCS Phùng Xá, Thạch Thất, Hà Nội.
Nhiều độc giả nhận xét, mặc dù đã cố gắng rất nhiều nhưng chỉ đọc được một số từ cơ bản. “Chữ xấu đến mức bác sĩ cũng “khóc thét”, thế này thì giáo viên chấm bài hàng ngày cho học sinh ấy cũng quá khổ”, anh Hưng Hà (Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ.
Trao đổi với PV Dân trí chiều 9/1, thầy Nguyễn Văn Xuân, Hiệu trưởng Trường THCS Phùng Xá cho biết, đây đúng là bài kiểm tra của em T, học sinh lớp 8A1 của trường. Theo thầy Xuân, bức ảnh bài kiểm tra đang lan truyền trên mạng có thể do học sinh nào đó chụp ảnh đăng lên.
“Đây là một trong những bài kiểm tra “khả dĩ” của em T vì còn có thể đọc được một số chữ. Hồi trước em cũng có viết xấu nhưng không đến nỗi tệ hại thế này. Gần đây, học sinh này có nhiều bài không thể dịch nổi vì không hiểu sao chữ viết cứ ngả ra như thế”, thầy Xuân cho hay.
Học lực yếu, toàn thi lại
Cũng theo Hiệu trưởng Xuân, học sinh T là trường hợp rất đặc biệt của nhà trường bởi từ giáo viên chủ nhiệm đến BGH đều có nhiều cách thức quan tâm nhưng việc rèn chữ cho học sinh này rất khó khăn. Với những môn trắc nghiệm, em vẫn có thể làm bài được. Chỉ riêng khi viết văn, không hiểu sao chữ ngày càng ngả ra. Thậm chí có nhiều bài giáo viên cố gắng lắm nhưng không thể đọc được gì.
“Tôi nghĩ 90% có thể do tâm lý em T muốn bỏ học nên cố tình viết ra thế này để không phải đến lớp. Tuy nhiên, gia đình rất mong muốn cháu đi học. Bản thân thầy chủ nhiệm và nhà trường cũng đã rất tận tình. Hồi hè năm 2016, chúng tôi đã cho em nghỉ 1 tuần để luyện chữ. Sau đó chữ viết có đỡ hơn chút xíu nhưng vào chương trình chính khóa, chữ viết của em lại tiếp tục đổ ra.
Bản thân tôi đã từng đưa em lên phòng Hiệu trưởng, ngồi viết luyện chữ cái như học sinh lớp 1 trong vòng 1 tiếng đồng hồ. Thật kì lạ là khi luyện như thế, em viết khá rõ ràng nhưng cứ vào bài văn thì chữ lại đổ nghiêng về một phía”, thầy Xuân chia sẻ.
Cũng theo thầy Xuân, hiện gia đình đã có đơn cam kết với nhà trường: Nếu để học sinh T ở nhà, gia đình không thể quản lý nổi. Do đó, nhà trường mong muốn gia đình giúp đỡ em luyện chữ viết trong 1 năm. Nếu sau một năm, chữ viết của T tiến bộ hơn thì sẽ quay trở lại học tập, nếu không, em sẽ thuộc diện ở lại lớp.
Chia sẻ thêm với chúng tôi, Hiệu trưởng nhà trường cho hay, cấp 1 em T học trường tiểu học cùng xã. Tuy nhiên, theo hồ sơ, cả cấp 1 và cấp 2, em T có học lực yếu, toàn thi lại và nhiều năm bị “đúp”.
Trong lớp, T không ngỗ ngược gì nhưng do học lực luôn ở tầm trung bình nên học sinh này dễ gây mất trật tự. Bố mẹ của T cũng làm nghề nông ở địa phương nên không có điều kiện luyện chữ tại nhà cho con. Vì thế theo thầy Xuân, hiện nhà trường đang cố gắng để giáo viên luyện chữ cho học sinh này xem sau 1 năm có tiến bộ để tiếp tục học tập.