Bộ Tài chính trình phương án giảm thuế để hạ nhiệt giá xăng dầu

Nguyễn Thị Hải Hà
Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội hôm nay (16/6), Bộ trưởng Tài Chính Hồ Đức Phớc cho biết:"Bộ Tài chính đã trình Chính phủ về phương án tiếp tục miễn giảm thuế bảo vệ môi trường để hạ nhiệt giá xăng dầu. Chính phủ đang nghiên cứu vấn đề này".

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết Bộ đã trình Chính phủ phương án tiếp tục miễn giảm thuế bảo vệ môi trường để ghìm mức tăng giá xăng dầu trong bối cảnh mặt hàng này đang quá "nóng".

Tính từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu được điều chỉnh tới 15 đợt. Trong đó giá xăng RON95 tăng 8.157 đồng/lít, xăng E5 tăng 7.962 đồng/lít và dầu diesel tăng 10.606 đồng/lít.

Tại kỳ điều chỉnh gần nhất (ngày 13/6), giá bán lẻ xăng dầu trong nước tiếp tục lập đỉnh mới sau khi tăng mạnh. Xăng E5RON92 tăng 882 đồng/lít, lên mức 31.117 đồng/lít; xăng RON95-III tăng 797 đồng/lít lên mức 32.375 đồng/lít. Đặc biệt giá dầu diesel 0.05S tăng đến 2.626 đồng/lít, lên mức 29.020 đồng/lít. Tương tự, dầu diesel và dầu hỏa đều tăng mạnh tại kỳ điều hành này.

Giá xăng dầu tăng kỷ lục khiến giá cả hàng hóa dịch vụ nói chung của nền kinh tế tăng theo, tăng áp lực lạm phát. Trong bối cảnh này, nhiều chuyên gia, đại biểu Quốc hội đề xuất tiếp tục giảm thuế để hạ nhiệt giá xăng dầu.

Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội hôm nay (16/6), Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết: "Bộ Tài chính đã trình Chính phủ về phương án tiếp tục miễn giảm thuế bảo vệ môi trường để hạ nhiệt giá xăng dầu. Chính phủ đang nghiên cứu vấn đề này".

Từ 1/4 năm nay, thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu cũng đã được điều chỉnh giảm 50% cho đến hết năm. Thuế bảo vệ môi trường theo đó còn 2.000 đồng/lít đối với xăng và 1.000 đồng/lít hoặc kg đối với dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn (chưa VAT)…

Liên quan đến việc giảm thuế để hạ nhiệt giá xăng dầu, có rất nhiều quan điểm khác nhau được đưa ra. Nhiều ý kiến đồng tình việc tiếp tục hạ thuế bảo vệ môi trường bởi trong thẩm quyền quyết định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì tiến trình sẽ diễn ra nhanh, kịp thời hơn.

Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cũng nêu quan điểm trước đề xuất hạ nhiệt giá xăng dầu khi trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội.

Theo ông Diên, đối tác thương mại của Việt Nam là rất nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ, nên nếu "ép giá" đầu vào thì có thể bị khởi kiện về chống bán phá giá, chống trợ cấp, thậm chí thao túng tiền tệ.

Ngoài ra, vấn đề hạ giá xăng dầu còn liên quan tới buôn lậu qua biên giới. Do vậy, Bộ trưởng Diên cho rằng phải cân nhắc và tính toán rất kỹ chứ không thể "một chiều". Theo quan điểm của tư lệnh ngành công thương, một mặt vẫn phải cố gắng dùng các công cụ kể cả thuế, kiểm soát thị trường để giảm giá.

Còn trong trường hợp giá xăng dầu tiếp tục tăng quá cao, ông Diên cho rằng, cần dùng chính sách an sinh hỗ trợ cho đối tượng yếu thế. Còn nghiêng về hướng làm sao để "ép" cho giá thật thấp, để giúp giảm giá nguyên liệu đầu vào vô hình trung gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế.

PV