Theo Bộ Tài chính, cùng với giải pháp điều chỉnh giảm mức thuế bảo vệ môi trường (BVMT) đối với nhóm xăng, dầu, mỡ nhờn xuống mức sàn trong khung thuế đến hết 31/12/2022, giải pháp này nhằm góp phần giảm giá mặt hàng xăng dầu, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi và phát triển kinh tế.
Hiện nay, trong giá bán mỗi lít xăng có khoảng 9.500-10.000 đồng các loại thuế (gồm thuế nhập khẩu, tiêu thụ đặc biệt, giá trị gia tăng và bảo vệ môi trường), tương ứng khoảng 30%. Trong đó, thuế bảo vệ môi trường hiện đã được giảm 50%, tức 1.900-2.000 đồng một lít với xăng từ 1/4 đến hết năm 2022. Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với xăng dầu được áp từ 8% đối với xăng E5 Ron 92 và 10% đối với xăng Ron 95, thuế VAT áp mức 10% đối với xăng dầu các loại.
Trước đó, nhiều chuyên gia kiến nghị giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, VAT với mặt hàng xăng dầu. TS Phạm Thế Anh - Kinh tế trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và Chính sách (VEPR) cho rằng, khoản thuế TTĐB với xăng dầu không hợp lý, cần bãi bỏ, bởi đây là hàng hóa thiết yếu với đời sống người dân và doanh nghiệp. Dù giá xăng dầu ở mức cao hay thấp cũng nên bỏ sắc thuế này. Theo ông Thế Anh, xăng dầu có nguồn gốc hóa thạch, cần sử dụng tiết kiệm trong khi nguy cơ gây ô nhiễm môi trường đã có thuế bảo vệ môi trường (BVMT) điều tiết.
“Ngoài ra, nguy cơ lạm phát tăng cao, bởi chi phí đẩy từ giá nhiều mặt hàng, trong đó có xăng dầu tăng nhanh. Điều này gây ra hiệu ứng lan tỏa trong nền kinh tế. Để kiểm soát yếu tố đầu vào, nhất là xăng dầu cần nhanh chóng bỏ ngay thuế TTĐB đánh lên xăng, dầu”, TS Phạm Thế Anh cho biết.