Bộ Tài chính đề xuất giảm 10% thuế nhập khẩu ưu đãi mặt hàng xăng

Nguyễn Thị Quỳnh Mai
 Bộ Tài chính đề xuất điều chỉnh giảm mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN) đối với mặt hàng xăng động cơ, không pha chì từ 20% xuống 10% thay cho phương án gửi xin ý kiến là từ 20% xuống 12% trước đó.

thuenhapkhauxangdau-1650812428588697933209-16578704652472059794386-1657916088.jpg

Bộ Tài chính đề xuất giảm thuế nhập khẩu ưu đãi với mặt hàng xăng xuống 10%

Bộ Tài chính công bố đã hoàn thiện và có công văn gửi Bộ Tư pháp lấy ý kiến thẩm định về dự án Nghị định sửa đổi mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với mặt hàng xăng thuộc nhóm 27.10.

Theo Bộ Tài chính, để đảm bảo tính kịp thời trong việc ổn định, đa dạng hóa nguồn cung, đảm bảo an ninh năng lượng và góp phần kiềm chế sự gia tăng của giá xăng dầu trong nước trước biến động của giá xăng dầu thế giới nhằm thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, hỗ trợ phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh thì việc điều chỉnh giảm mức thuế suất thuế nhập khẩu MFN đối với mặt hàng xăng là giải pháp khả thi và có hiệu quả trong bối cảnh hiện nay.

Trên cơ sở ý kiến các bộ, ngành, địa phương, căn cứ vào nguyên tắc ban hành Biểu thuế, thuế suất quy định tại Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 107/2016/QH13 cũng như diễn biến thị trường xăng dầu thế giới gần đây khi mà giá xăng liên tục tăng và vẫn đang ở mức cao, Bộ Tài chính trình Chính phủ điều chỉnh giảm mức thuế suất thuế nhập khẩu MFN đối với mặt hàng xăng động cơ, không pha chì (thuộc mã HS từ 2710.12.21 đến 2710.12.29) từ 20% xuống 10% thay cho phương án gửi xin ý kiến trước đó là từ 20% xuống 12%. Việc điều chỉnh thuế suất thuế nhập khẩu MFN theo phương án này vẫn đảm bảo có được dư địa để đàm phán các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mới trong tương lai và đảm bảo không phát sinh nghĩa vụ của Việt Nam trong các cam kết quốc tế.

Còn đối với mặt hàng xăng động cơ, có pha chì, hiện nay gần như không có kim ngạch nhập khẩu và trong nước cũng không còn được phép sản xuất, sử dụng mặt hàng này nên Bộ Tài chính đề nghị giữ như mức thuế suất thuế nhập khẩu MFN như hiện hành.

Đối với mặt hàng dầu, Bộ Tài chính trình Chính phủ tiếp tục áp dụng mức thuế suất thuế nhập khẩu MFN là 7% như hiện hành để không phát sinh nghĩa vụ của Chính phủ trong cam kết GGU với Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn. Hiện nay, mức thuế nhập khẩu FTA đối với dầu trong khuôn khổ Hiệp định ATIGA với các nước ASEAN và Hiệp định FTA với Hàn Quốc đã được giảm về 0% nên kim ngạch nhập khẩu theo thuế suất thuế nhập khẩu MFN là không đáng kể.

Theo tính toán của Bộ Tài chính, với việc tỷ trọng xăng E5RON92 và xăng RON95 nhập khẩu chỉ chiếm tương ứng 14,36% và 31,7% lượng xăng tiêu thụ trong nước tính theo số liệu quý 2/2022 và hiện nay xăng đang được nhập khẩu chủ yếu từ các quốc gia ký kết Hiệp định FTA với Việt Nam nên việc giảm thuế suất thuế nhập khẩu MFN xuống 10% có thể góp phần giảm giá xăng trong nước nhưng cũng chỉ ở mức thấp. Tuy nhiên, việc điểu chỉnh giảm thuế nhập khẩu sẽ có tác động lớn tới sản xuất kinh doanh và tiêu dùng của người dân, tạo điều kiện cho doanh nghiệp có thể nhập khẩu xăng từ nhiều quốc gia khác, qua đó, thúc đẩy tính cạnh tranh để giảm giá mặt hàng này.

Bộ Tài chính trình Chính phủ quy định Nghị định có hiệu lực kể từ ngày ký để sớm áp dụng ngay, đồng thời, không quy định thời hạn áp dụng.
Bởi, theo lộ trình cam kết thì thuế suất FTA của mặt hàng xăng tại Hiệp định ATIGA sẽ được giảm xuống còn 5% vào năm 2023 và về 0% vào năm 2024 nên việc quy định mức thuế suất thuế nhập khẩu MFN 10% đối với mặt hàng xăng để áp dụng ổn định cũng là phù hợp, đảm bảo sự chênh lệch hợp lý giữa thuế suất MFN và thuế suất FTA đối với mặt hàng xăng.

Trường hợp thị trường xăng dầu thế giới có biến động bất thường dẫn đến việc phải điều chỉnh lại mức thuế suất thuế nhập khẩu MFN đối với mặt hàng xăng, Bộ Tài chính kịp thời báo cáo Chính phủ phương án điều chỉnh phù hợp.

MP