Đây là những câu chuyện được ghi nhận tại Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương (Hà Nội) trong tháng 3 này, khi rất nhiều trẻ em dị tật khe hở môi - vòm miệng được tư vấn điều trị toàn diện và phẫu thuật miễn phí.
Anh L (Nghệ An) rất vui mừng khi cậu con trai 1 tuổi được xếp lịch mổ cuối tuần qua. Trước đó, anh L đã đưa con trai đi khám nhiều lần nhưng đều không được mổ vì thiếu cân và có các bệnh viêm nhiễm khác: “Do gia đình nghèo khó, ngoài lúc làm ruộng, vợ chồng tôi phải tranh thủ đi làm thuê nên con trai không chăm sóc chu đáo. Lần này, tôi chỉ cầu mong con khỏe mạnh để chuyến đi này không phải quay về”.
Chị H (người dân tộc Mường, Bắc Hà, Lào Cai) cũng đưa con gái thứ 2, hơn 3 tuổi, đến khám đợt này để phẫu thuật lần 2, thực hiện đóng kín khe hở vòm miệng, giúp trẻ phát âm bình thường. Chị H chia sẻ, chị có bầu bé khi con đầu mới 5 tháng tuổi nên không hề biết. Trong giai đoạn mang thai chị bị cúm vài lần và khi đi khám cũng chẩn đoán con bị sứt môi, nhưng chị không biết sứt môi là gì.
“Con bị sứt môi nên chỉ bú được một bên nhưng sữa toàn chảy ra ngoài chứ không vào miệng. Khi được tư vấn cách cho con bú để không bị sặc thì sữa mẹ không còn, con phải bú bình. Các bác sĩ bảo mẹ đừng lo, giờ khoa học hiện đại lắm có thể chữa được. Tuy nhiên, hai mẹ con tôi phải đi lại 4 lần mới được mổ vì cứ chuẩn bị mổ thì con bị sốt hoặc bạch cầu cao. Sau khi mổ, con ăn uống tốt hơn trước rất nhiều”, chị H xúc động chia sẻ.
Trực tiếp khám con gái chị H, BS Hoàng Thị Hương, Khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương cho biết, sức khỏe bé hiện bình thường sau mổ đóng kín khe hở môi, vết mổ đẹp hơn so với kỹ thuật mổ trước đây: “Nhìn làn môi phía trước thấy rõ tim môi, độ dày làn môi 2 bên cân nhau, không bị hếch cho thấy kết quả tốt đẹp. Tuy nhiên, dị tật của bé khiến mũi bị biến dạng, sau lần mổ 2 đóng kín khe hở vòm miệng để phát âm tròn tiếng thì sau này cần nắn chỉnh răng, ghép xương... Nếu can thiệp sớm và kịp thời sau này bé sẽ bớt công đoạn nắn chỉnh xương”.
Theo các bác sĩ, không phải bệnh nhân nào cũng được mổ vá môi đúng thời điểm (3-6 tháng tuổi) và đạt được kết quả lý tưởng vì có khi trẻ bị sinh non nhẹ cân hoặc kèm dị tật tim bẩm sinh, kèm các dị tật thiểu năng trí tuệ và các viêm nhiễm tại chỗ, viêm đường hô hấp...
“Có rất nhiều nguyên nhân gây nên dị tật này, trong đó, có thể do người mẹ nhiễm virus, nhất là virus cúm trong 3 tháng đầu mang thai. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn những ông bố, bà mẹ còn thiếu hiểu biết và còn mặc cảm, tâm lý rất căng thẳng và nặng nề mà không hề biết con cần đi khám sớm để chúng tôi tư vấn điều trị đúng thời điểm và đúng quy trình, để khắc phục tối đa các nhược điểm do dị tật gây ra, giúp các con đỡ thiệt thòi, hòa nhập cộng đồng. Đặc biệt, việc chăm sóc dinh dưỡng toàn diện từ bào thai đến khi chào đời là rất quan trọng. Khi trẻ đáp ứng điều kiện về tháng tuổi, cân nặng, các xét nghiệm trong giới hạn an toàn thường vết mổ sẽ đẹp và an toàn tuyệt đối”, BS Hoàng Thị Hương nhấn mạnh.
Khe hở môi - vòm miệng nằm trong số các dị tật bẩm sinh phổ biến, (chiếm khoảng 10% dị tật). Thống kê tại Việt Nam, bình quân cứ khoảng 1.000 em bé chào đời thì có 1-2 trường hợp dị tật này. Dị tật khe hở môi - vòm miệng có thể liên quan đến việc thiếu hụt hoặc thừa răng, cấu trúc mặt và răng bị biến dạng. Thậm chí những trẻ đã phẫu thuật cũng nguy cơ bị sâu răng, nha chu và các vấn đề sức khỏe khác. Do vậy, bệnh nhân cũng cần được chăm sóc răng miệng định kỳ, ngăn ngừa bệnh răng miệng.
“Với dị tật khe hở môi - vòm miệng, bệnh viện chúng tôi có 1 đội ngũ đặc biệt để lên kế hoạch tư vấn và điều trị toàn diện cho bệnh nhân. Cụ thể là tuyên truyền giáo dục từ tiền hôn nhân đến quản lý bào thai, chăm sóc dinh dưỡng cho bé đến lúc trưởng thành theo hướng dẫn của Liên đoàn Nha khoa thế giới. Chúng tôi tự hào có đủ đội ngũ chuyên gia về ngữ âm trị liệu, nắn chỉnh răng, phẫu thuật chỉnh hình thẩm mỹ... Trước đây có rất nhiều trường hợp khi siêu âm thi phát hiện dị tật đã đình chỉ thai nghén. Đây là điều rất đau sót. Nhưng khi cha mẹ hiểu được tất cả những dị tật này chúng tôi đều có thể điều trị được tốt để hòa nhập cộng đồng. Cha mẹ hãy đưa con đi khám sau sinh 1 tuần để được tư vấn dinh dưỡng, phẫu thuật, nắn chỉnh phát âm để tự tin đến lớp học tập bình thường”, PGS.TS Trần Cao Bính, Giám đốc BV chia sẻ.
Theo các bác sĩ, thực tế có bệnh nhân ngoài 40 tuổi mới phẫu thuật đóng khe hở môi vòm chỉ vì lo lắng khi về già, nếu ốm đau, không tự ăn thì con cháu bón cháo sữa sẽ bị sặc. Hoặc có trường hợp ngoài 20 tuổi mới phẫu thuật vì bị bạn bè trêu chọc vì nói ngọng. Tuy nhiên, bệnh nhân phẫu thuật muộn thì cải thiện phần hình thể thẩm mỹ, giúp người bệnh hòa nhập cộng đồng chứ không thể khắc phục được phần ngữ âm. Đây là một thiệt thòi rất lớn của người bệnh.
Cũng trong tuần từ ngày 27-31/3/2023, Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cuba cũng tổ chức Chương trình phẫu thuật nhân đạo mong muốn mang lại nhiều nụ cười mới cho trẻ em trên toàn quốc.
Từ ngày 27/3, bệnh viện đã khám sàng lọc hơn 100 bệnh nhân, trong đó, 81 bệnh nhân sẽ được thực hiện phẫu thuật nhân đạo dị tật khe hở môi, hàm ếch; dị tật bẩm sinh thừa, dính ngón chân, tay… trong tuần này. Sau khi khám sáng lọc, các bệnh nhân sẽ được thực hiện phẫu thuật nhân đạo trong các ngày từ 28 đến 31/3/2023.
Tất cả các ca phẫu thuật đều được thực hiện miễn phí, đồng thời, bệnh nhân sẽ được hỗ trợ một phần đi lại và ăn uống trong thời gian lưu viện./.