Đây là nội dung sửa đổi theo dự thảo sửa đổi quy chế tổ chức và hoạt động của trường mầm non tư thục vừa được Bộ GD&ĐT đưa ra lấy ý kiến ngày 26/3.
Theo đó, Điều 14 của Quy chế tổ chức và hoạt động trường mầm non tư thục ban hành kèm theo Thông tư số 13/2015/TT-BGDĐT ngày 30/6/2015 được sửa như sau:
- Nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục có cơ cấu, tổ chức đảm bảo các yêu cầu về cơ cấu tổ chức quy định tại Điều lệ trường mầm non và phù hợp với điều kiện, quy mô của nhóm, lớp.
- Trẻ em trong nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục được tổ chức theo quy định tại Điều lệ trường mầm non. Số trẻ em trong một nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục có không quá 70 trẻ.
- Mỗi cơ sở nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục có 01 (một) tổ trưởng chuyên môn. Tổ trưởng chuyên môn do chủ nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục thỏa thuận trong hợp đồng lao động.
- Ủy ban nhân dân cấp xã chỉ đạo tổ chức kiểm tra (thường xuyên, đột xuất) hoạt động của các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục và nhóm trẻ; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi sai phạm theo quy định hiện hành.”
Thực tế hiện nay nhiều nhóm, lớp mẫu giáo độc lập tư thục vượt trên 50 trẻ, có trường hợp trên 100 trẻ do khó khăn về điều kiện đất đai, cơ sở vật chất, bộ máy tổ chức để thành lập trường. Việc tồn tại các nhóm lớp này hiện nay là cần thiết nhằm đáp ứng nhu cầu gửi con theo giờ giấc linh hoạt, gần khu dân cư của phụ huynh trong điều kiện trường công lập không đủ khả năng đáp ứng.
Theo Nghị quyết 131/NQ-CP ngày 06/12/2017 của Chính phủ thường kỳ tháng 11/2017, trong đó giao Bộ GD&ĐT rà soát, chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước về giáo dục mầm non. Từ những lý do trên, việc sửa đổi, bổ sung Quy chế tổ chức và hoạt động ban hành kèm theo Thông tư số 13/2015/TT-BGDĐT là rất cần thiết.
Vụ trưởng vụ Giáo dục Mầm non cũng cho biết thêm, hiện nay, Bộ GD&ĐT đã gửi Dự thảo thông tư để xin ý kiến rộng rãi nhân dân.
Hạn chót góp ý cho dự thảo là ngày 24/5.