Tài chính, công nghệ tuyển khối C; ngành Văn học tuyển khối A
Thay vì tuyển sinh ngành Văn học bằng các tổ hợp khối C như thường thấy, Trường ĐH Bình Dương (TP. Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) xét tuyển bằng cả tổ hợp Toán, Lý, Hóa (các môn thi theo khối A trước đây).
Điểm đáng chú ý trong phương án tuyển sinh của trường Trường ĐH Bình Dương (TP. Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) là ngành Văn học được xét tuyển bằng tổ hợp không mấy liên quan A00 (Toán, Lý, Hóa) và A01 (Toán, Vật lý, Tiếng Anh).
Cụ thể, theo phương án tuyển sinh năm 2018 công bố, trường sẽ xét tuyển sinh vào ngành Văn học bằng cả các tổ hợp Toán, Vật lý, Hóa học và Toán, Vật lý, Tiếng Anh, cùng với các tổ hợp khối C00 (Văn, Sử, Địa) và D01 (Văn, Ngoại ngữ, Tiếng Anh).
Trường cũng sẽ xét tuyển bằng khối C00 (Văn, Sử, Địa) cho các ngành có tính chất đòi hỏi nhiều tính toán như: Kế toán, Tài chính- Ngân hàng, Quản trị kinh doanh.
Trên website của Trường ĐH Công nghệ Đồng Nai có đăng thông báo tuyển sinh ĐH năm học 2018. Trong đó, đáng chú ý một số ngành kỹ thuật, trường xét tuyển thêm tổ hợp Văn, Sử, Giáo dục công dân như ngành Công nghệ Kỹ thuật ô tô, Công nghệ chế tạo máy, Công nghệ kỹ thuật xây dựng, Công nghệ thông tin. Trường còn tuyển cả tổ hợp Văn, Sử, Địa bên cạnh các tổ hợp có môn Toán như Kế toán, Tài chính ngân hàng.
Trường ĐH Nông lâm, ĐH Huế cũng xét tuyển thêm tổ hợp Văn, Sử, Địa đối với một số ngành như quản lý đất đai, Khuyến nông, Phát triển nông thôn, Bất động sản...
Bộ GD&ĐT lên tiếng
Sau khi dư luận phản ứng về các tổ hợp tuyển sinh lạ của một số trường ĐH: Tuyển sinh viên các ngành kỹ thuật, kinh tế, công nghệ bằng khối C, tuyển các ngành xã hội, văn học bằng khối A. Bộ GD&ĐT đã chính thức lên tiếng về vấn đề này.
Theo bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT, theo quy định của Luật Giáo dục ĐH, các cơ sở giáo dục ĐH được tự chủ quyết định phương thức tuyển sinh và chịu trách nhiệm về công tác tuyển sinh. Quy chế cũng cho phép trường được dùng kết quả ba bài thi/môn thi, trong đó có ít nhất một trong hai bài toán, ngữ văn để xét tuyển. Không sử dụng nhiều hơn bốn tổ hợp bài thi/môn thi để xét cho một ngành.
Như vậy, các trường được đảm bảo quyền tự chủ nhưng phải có trách nhiệm giải trình về việc các bài thi/môn thi đưa vào tổ hợp để xét tuyển có gắn với yêu cầu của ngành đào tạo hay không và quy trình xác định tổ hợp tuyển sinh.
Với việc các trường tuyển sinh các tổ hợp môn thi không liên quan, theo bà Phụng, thì trường sẽ bị bất lợi nhiều hơn, “mất nhiều hơn được”.
Bộ sẽ yêu cầu sau khi có điểm thi, các trường phải công bố công khai điểm sàn nhận xét tuyển trước khi thí sinh thay đổi nguyện vọng và phải nhập lên cơ sở dữ liệu thi tuyển sinh để quản lý. Trên cơ sở đó, các phương tiện truyền thông hoặc Bộ GD&DT có thể lập danh sách điểm sàn của các trường (như một cách đơn giản xếp hạng chính sách chất lượng đầu vào của trường) để công khai, minh bạch thông tin cho thí sinh có sự lựa chọn phù hợp và để các trường phải giữ uy tín, xây dựng “thương hiệu” cho mình.
Để giảm thiểu tình trạng trên, trong nội dung tập huấn thi tuyển sinh tới đây, Bộ GD&ĐT cũng sẽ trao đổi trực tiếp với các trường.