Theo đó, trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ thay mặt Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội không có đề xuất tăng lương giáo viên và miễn học phí cấp THCS mà trước đó đã đưa ra.
Hai đề xuất này trước đó đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Tuy nhiên, trong văn bản góp ý cho dự thảo Luật Giáo dục, Bộ Tài chính và Bộ Nội vụ đã có ý kiến về những vấn đề này.
Tăng lương giáo viên cần được nghiên cứu, xây dựng đồng bộ
Xung quanh đề xuất “lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp”, văn bản góp ý của Bộ Nội vụ viện dẫn các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành và cho rằng: “Trong thời gian qua, nhiều bộ, ngành khi xây dựng luật chuyên ngành đã đưa quy định về tiền lương (cả phụ cấp) làm phá vỡ thiết kế ban đầu của chế độ tiền lương trong hệ thống chính trị, làm phát sinh bất hợp lý giữa các ngành, nghề”.
Do đó theo Bộ Nội vụ, vấn đề này cần phải được nghiên cứu, xây dựng ban hành đồng bộ khi cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang trong hệ thống chính trị trong thời gian tới, bảo đảm tương quan chung, phù hợp với khả năng ngân sách nhà nước.
Miễn học phí THCS không khả thi
Về đề xuất miễn học phí cho học sinh THCS, Bộ Tài chính phản đối với lý do không khả thi. Nghị quyết số 29-NQ/TƯ đã nêu: “Đối với giáo dục phổ thông, nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục, thực hiện giáo dục bắt buộc 9 năm từ sau năm 2020”. Vì thế, trong điều kiện ngân sách Nhà nước còn khó khăn, việc cân đối kinh phí để thực hiện chính sách này là không khả thi. Bộ Tài chính đề nghị Bộ GD&ĐT không đưa nội dung này vào dự thảo Luật, đồng thời chỉ xem xét quy định học sinh THCS không phải đóng học phí từ sau năm 2020 khi bắt đầu triển khai giáo dục bắt buộc theo đúng tinh thần nghị quyết số 29-NQ/TƯ.