Bình Định chấp thuận dự án công nghệ cao vốn đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng

Nguyễn Thị Quỳnh Mai
Ngày 21/7, ông Nguyễn Phi Long, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đã ký quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Tổ hợp Trung tâm nghiên cứu, sản xuất và đào tạo chuyên gia công nghệ FPT Software, đồng thời chấp thuận nhà đầu tư là Công ty TNHH Phần mềm FPT (Hà Nội).
cv-20220720205555793-1658372602.jpg
Cổng vào Tổ hợp Trung tâm nghiên cứu, sản xuất và đào tạo chuyên gia công nghệ FPT Software . (Ảnh: Trung tâm xúc tiến đầu tư tỉnh Bình Định).

Mục tiêu dự án là nhằm xây dựng trung tâm nghiên cứu và sản xuất sản phẩm phần mềm, phục vụ cho việc đào tạo, chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực công nghệ thông tin; góp phần xây dựng ngành công nghệ thông tin trở thành ngành kinh tế trọng điểm, quan trọng của tỉnh Bình Định.

Bên cạnh đó xây dựng môi trường làm việc đạt tiêu chuẩn quốc tế, thu hút lao động chất lượng cao, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp công nghệ thông tin Việt Nam…

Dự án được triển khai trên khu đất rộng 15,2 hecta với tổng vốn đầu tư hơn 2.000 tỉ đồng. Trong hơn 2000 tỉ tổng vốn đầu tư dự án, số vốn góp của Công ty TNHH Phần mềm FPT là hơn 400 tỉ đồng, số vốn còn lại được huy động từ các tổ chức tín dụng. Địa điểm thực hiện dự án tại khu vực 2, phường Ghềnh Ráng, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. Thời hạn hoạt động của dự án là 50 năm. Thời gian thực hiện dự án sẽ kéo dài từ nay đến hết năm 2030. Trong đó, trong năm 2022 chủ đầu tư dự án sẽ thực hiện các thủ tục về đầu tư, đất đai, xây dựng và các điều kiện cần thiết trước khi triển khai xây dựng. Từ năm 2023 đến năm 2030 sẽ thực hiện đầu tư xây dựng, chia làm 3 giai đoạn, cụ thể như sau:

Giai đoạn 1 xây dựng trên phần diện tích đất 8,1 hecta, vốn đầu tư hơn 1.066,5 tỉ đồng, thực hiện từ quý 1 năm 2023 đến quý 4 năm 2025. Giai đoạn này sẽ xây dựng các công trình: Trung tâm nghiên cứu, phát triển công nghệ cao và sản xuất sản phẩm phần mềm; Học viện đào tạo chuyên gia, nhân lực công nghệ cao; Khu huấn luyện và trải nghiệm các kỹ năng sống cơ bản của công dân toàn cầu; Khu lưu trú ngắn hạn dành cho chuyên gia, người lao động với công suất thiết kế 12.662 người.

Giai đoạn 2 xây dựng trên diện tích đất 4,3 hecta, vốn đầu tư 565,4 tỉ đồng, thực hiện từ quý 1 năm 2026 đến quý 4 năm 2028, công suất thiết kế 6.712 người.

Giai đoạn 3 xây dựng trên phần diện tích đất 2,8 hecta, tổng vốn đầu tư 368,6 tỉ đồng, thời gian thực hiện từ quý 1 năm 2029 đến quý 4 năm 2030, công suất thiết kế 4.376 người.

Riêng về phần cổng chào, Công ty TNHH Phần mềm FPT đề xuất xây dựng cổng chào Đại lộ khoa học nằm ngoài ranh giới của dự án, tại vị trí nằm trên đường Đại lộ khoa học làm điểm nhấn cũng như phục vụ cho toàn bộ Khu đô thị Khoa học và Giáo dục Quy Hòa.

Theo kế hoạch, khi Dự án đi vào hoạt động sẽ hình thành một trung tâm nghiên cứu và sản xuất sản phẩm phần mềm, phục vụ cho việc đào tạo, chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực công nghệ thông tin; góp phần xây dựng ngành công nghệ thông tin trở thành ngành kinh tế trọng điểm, quan trọng của tỉnh Bình Định.

Mai Phương