Biến thể BA.5 khiến thêm nhiều người mắc COVID-19 lần 2, lần 3

Lã Thị Thúy hằng
Biến thể BA.5 lây lan nhanh, nó đã gây ra làn sóng lây nhiễm gia tăng ở Mỹ, thêm nhiều người mắc COVID-19 lần thứ 2, lần thứ 3.

Tỷ lệ tái nhiễm COVID do BA.5 tăng gấp đôi so với Omicron "tàng hình" BA.2

BA.5, biến thể phụ của Omicron đang gây ra khoảng 80% trường hợp nhiễm COVID-19 mới ở Mỹ, theo dữ liệu mới nhất Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát Bệnh tật Mỹ.

Do biến thể BA.5 lây lan nhanh, nó đã gây ra làn sóng lây nhiễm gia tăng ở Mỹ, thêm nhiều người mắc COVID-19 lần thứ 2, lần thứ 3.

Tuy nhiên về trung bình, những trường hợp tái nhiễm cách lần nhiễm trước đó khá xa, tận 9 tháng, theo dữ liệu mới từ công ty giải trình tự gene Helix.

a8-1658761216.jpg

BA.5 khiến nhiều người tái nhiễm COVID-19. Thông thường, trường hợp tái nhiễm cách lần mắc trước đó khoảng 9 tháng.

Helix thực hiện giải trình gene virus từ các xét nghiệm COVID-19 để kiểm soát các biến thể, nhằm tìm hiểu xem liệu một người có thể dương tính với COVID-19 bao nhiêu lần và liệu lần này BA.5 có gây ra tái nhiễm COVID-19 nhiều hơn so với những biến thể trước đó hay không?

Trong số gần 300.000 trường hợp nhiễm COVID-19 kể từ tháng 3/2021 tới nay, tỷ lệ tái nhiễm tăng gấp đôi từ 3,6% do làn sóng BA.2 vào tháng 5/2022 lên 6,4% do làn sóng BA.5 vào tháng 7 năm nay. Khoảng thời gian tái nhiễm không gần nhau.

Tái nhiễm COVID-19 thường cách lần mắc trước đó 230-270 ngày

Vào tháng 4 năm nay, trong khi Omicron "tàng hình" BA.2 càn quét, khoảng thời gian bình quân cùng một người có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19 là cách nhau 230 ngày. Vào tháng 7, người tái nhiễm COVID-19 cách lần nhiễm trước 270 ngày (tức khoảng 9 tháng).

"Dữ liệu gần đây cho thấy rằng cả tỷ lệ ca nhiễm lẫn tái nhiễm đều đã tăng lên một chút." Shishi Luo - phó giám đốc về công nghệ tin học-sinh học và bệnh truyền nhiễm tại Helix cho biết.

Chuyên gia Shishi Luo cho rằng có nhiều nhân tố, bao gồm kháng thể có được nhờ tiêm vaccine suy giảm theo thời gian, do sự biến đổi gene virus đã khiến BA.5 có khả năng lẩn tránh hàng rào miễn dịch chống lây nhiễm, đã dẫn tới tình trạng các ca mắc gia tăng.

Về bình quân, người tái nhiễm thường cách lần mắc trước đó 9 tháng.

Kết quả một nghiên cứu mới đây về tái nhiễm COVID-19 từ Qatar, nơi thường tầm soát định kỳ 2,8 triệu người dân, xét nghiệm cho khoảng 5% dân số mỗi tuần, cũng cho thấy điều tương tự.

Hai biến thể phụ Omicron BA.4 và BA.5 đã xuất hiện ở Qatar từ tháng 5 năm nay và trở thành các biến thể chủ đạo trong tháng 6.

Từng mắc Omicron miễn nhiễm cao hơn so với các biến thể trước đó

Các nhà nghiên cứu ở Mỹ hiện đang sử dụng dữ liệu tầm soát quốc gia để xem xét các trường hợp tái nhiễm.

Các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng, những người mắc COVID-19 trước thời kỳ làn sóng Omicron diễn ra ít được bảo vệ chống tái nhiễm có triệu chứng trong làn sóng BA.5: chỉ 15%. Tuy nhiên, sự bảo vệ chống tái nhiễm nhờ từng nhiễm Omicron cao hơn: khoảng 76%.

"Những người mắc các biến thể trước đó mà không phải Omicron thực sự bảo vệ rất hạn chế chống lây nhiễm BA.4 hay BA.5. Do đó những người từng mắc các biến thể trước đây (mà không phải Omicron) không thể trông đợi vào miễn dịch tự nhiên để bảo vệ bản thân.", nhà dịch tễ học Laith Abu-Raddad tại Trường Y Weill-Cornell tại Doha, Qatar cho biết.

Theo chuyên gia Au-Raddad, những người mắc gần đây với biến thể Omicron có khả năng miễn nhiễm mạnh hơn một chút, nhưng tất nhiên sẽ không miễn nhiễm hoàn toàn, đồng nghĩa với việc vẫn có khả năng tái mắc COVID-19 dù ít.

Kết quả nghiên cứu trên tại Qatar có thể không áp dụng với mọi trường hợp. Dân số Qatar phần đông là người lao động nhập cư, đa số là người trẻ dưới 50 tuổi. Người trên 50 tuổi ở Qatar rất ít.

Tuy nhiên, chuyên gia Luo cũng cho rằng, nếu bạn nghe nói bạn mình hay thành viên nào trong gia đình nhiễm COVID-19 lần hai chỉ trong 1 tháng thì đừng nên lo lắng, bởi trường hợp này hiếm khi xảy ra. Trường hợp tái nhiễm chỉ trong thời gian quá ngắn như vậy là không điển hình đối với COVID-19.

L.Hằng