'Biến rác thành tiền' hỗ trợ cho người dân khó khăn ở Kon Tum

Nguyễn Diệp Linh
Với hy vọng giúp người nghèo, bà con DTTS bớt khó khăn, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Đăk Dục (Kon Tum) đã thành lập mô hình 'Biến rác thành tiền'.

Thành viên mô hình “Biến rác thành tiền” phân loại rác thải tái chế.Thành viên mô hình “Biến rác thành tiền” phân loại rác thải tái chế.

Giữ gìn vệ sinh môi trường

Mong muốn hỗ trợ, giúp đỡ cho những hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống, tháng 8/2016, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Đăk Dục, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum, đã thành lập mô hình “Biến rác thành tiền”.

Những ngày đầu, mô hình chỉ có 69 hội viên thuộc Chi hội phụ nữ thôn Dục Nhầy 1. Trải qua một thời gian, nhận thấy mô hình thiết thực và có thể giúp đỡ được nhiều hoàn cảnh khó khăn, 824 hội viên thuộc 9 Chi hội phụ nữ ở 9 thôn đã đăng ký tham gia.

Thay vì thói quen đổ rác thải ra ngoài môi trường, tại mỗi gia đình hội viên được hướng dẫn phân loại và tập kết đúng nơi quy định.

Với những rác thải, như: Vỏ lon, bìa carton, chai nhựa… sẽ được giữ lại. Khi đã được một số lượng nhất định, các chi hội tổ chức thu gom và bán cho đại lý thu mua.

Số tiền thu gom được sẽ bổ sung vào quỹ của các chi hội nhằm duy trì hoạt động, giúp đỡ phụ nữ nghèo là người DTTS, những trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.

Lâu nay, chị Y Chợt, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ thôn Dục Nhầy 3 (xã Đăk Dục) đã quá quen với việc phân loại rác thải và rác tái chế. Bên cạnh việc tự phân loại rác cho gia đình, chị Y Chợt còn tuyên truyền đến bà con, hàng xóm… về việc giữ gìn vệ sinh môi trường.

Mỗi cuối tuần, chị Y Chợt lại cùng một số hội viên trong Chi hội phụ nữ thôn Dục Nhầy 3 đến các hộ gia đình thu gom phế liệu. Đến cuối tháng, khi số lượng đã nhiều, chi hội tổ chức bán, có những thời điểm được vài trăm nghìn đồng. Toàn bộ số tiền thu được sẽ hỗ trợ cho hội viên khi gặp khó khăn và những hoàn cảnh đặc biệt ở thôn.

“Trước kia, người dân chẳng mấy quan tâm đến việc phân loại rác thải nên môi trường ít nhiều bị ô nhiễm. Thế nhưng từ ngày mô hình được triển khai và tuyên truyền rộng rãi, đường làng, ngõ xóm cũng trở nên sạch đẹp hơn”, chị Y Chợt chia sẻ.

Gây quỹ hỗ trợ người nghèo

Sau thời gian thu gom rác, các thành viên tập hợp lại để bán lấy tiền gây quỹ.

Sau thời gian thu gom rác, các thành viên tập hợp lại để bán lấy tiền gây quỹ.

Ngày cuối tháng, nhà rông thôn Nông Kon (xã Đăk Dục) lại tấp nập người dân mang chai, lọ, giấy… đến đóng góp cho mô hình “Biến rác thành tiền”. Người thì phân loại chai nhựa, lon nhôm… người thì đóng bao để cân, bán lấy tiền gây quỹ.

Chị Y Hiêng, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ thôn Nông Kon tâm sự, năm 2016, Chi hội phụ nữ thôn Nông Kon là một trong những đơn vị đầu tiên hưởng ứng thực hiện mô hình “Biến rác thành tiền” do Hội LHPN xã Đăk Dục phát động.

Theo chị Y Hiêng, khi biết được mục đích của mô hình này, các chị em trong chi hội rất ủng hộ và hưởng ứng nhiệt tình.

Hơn 7 năm triển khai mô hình, đã có 107 hội viên tham gia. Những số tiền thu được từ việc bán rác thải tái chế, thôn Nông Kon đã giúp đỡ cho nhiều hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

“Đầu năm nay, chi hội đã trích 1,5 triệu đồng để thăm hỏi cháu bé bị bỏng nặng ở địa phương. Hỗ trợ cho một số học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn mua sách, vở, dụng cụ học tập đến trường.

Chi hội còn giúp đỡ cho nhiều trẻ mồ côi, người già neo đơn.... Do đó, mô hình này rất hiệu quả và thiết thực khi vừa giúp gìn giữ vệ sinh môi trường lại hỗ trợ được cho những mảnh đời bất hạnh”, chị Y Hiêng bộc bạch.

Bà Y Chon, Chủ tịch Hội LHPN xã Đăk Dục cho biết, tuy số tiền tích góp từ việc bán phế liệu không nhiều, nhưng nhiều hội viên góp lại là một con số không hề nhỏ.

7 năm qua, mô hình của Hội LHPN xã đã thu được hơn 100 triệu đồng từ việc bán phế liệu.

Số tiền quỹ này đã được Hội LHPN xã thăm, tặng quà cho những phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, hội viên nghèo và thực hiện nhiều hoạt động an sinh xã hội có ý nghĩa.

Không chỉ tạo được nguồn quỹ hỗ trợ phụ nữ nghèo, mô hình còn góp phần vào việc nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường của người dân tại địa phương.

Dung Nguyễn