Biên cương thoát nghèo nhờ người lính mang quân hàm xanh

Tạp Chí Nhân Đạo
(NĐ&ĐS) - Nhờ những đổi thay tích cực trong việc suy nghĩ cách làm giàu để thoát nghèo, cộng thêm sự giúp đỡ của các cán bộ Bộ đội biên phòng mà nhiều năm qua đời sống người dân rẻo cao A Lưới đang dần cải thiện.

Bám dân, dạy dân cách làm giàu

A Lưới là huyện miền núi của tỉnh Thừa Thiên – Huế, so với các địa phương khác trong tỉnh thì A Lưới vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là đối với đồng bào các dân tộc thiểu số ở đây.

Hiểu được điều đó nên nhiều năm qua Thừa Thiên – Huế vẫn đã và đang tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng để “kéo” địa phương này đi lên, trong đó việc nâng cao đời sống đồng bào dân tộc thiểu số được ưu tiên hơn cả. Đi đầu trong các lực lượng giúp dân thoát nghèo là các cán bộ của các đồn biên phòng đóng tại huyện miền núi này.

a-luoi
Thiếu tá Nguyễn Tiến Dũng (bên trái) chỉ bài cho một em người đồng bào dân tộc thiểu số

Nhà của anh Hồ Xuân Bảy (xã Trung Sơn – huyện A Lưới) nằm gần với vành đai biên giới Việt – Lào. Mặt trời cao đứng bóng chiếu xà xuống cây sào phía đằng sau nhà báo hiệu đã quá giờ trưa nhưng anh Bảy vẫn đi rẫy chưa về. Mãi đến một lúc sau thì anh Bảy mới về đến nhà cùng với nhiều vật dụng để làm đồng án.

Mở đầu câu chuyện với chúng tôi, anh Bảy kể rằng hành trình thoát  nghèo của  mình là một câu chuyện ngoạn mục từ chính ý chí của bản thân và sự giúp đỡ không mệt mỏi của đồn Biên phòng cửa khẩu Hồng Vân. Trong suốt câu chuyện với chúng tôi anh vẫn luôn dành sự cảm kích, biết ơn sâu sắc với các cán bộ biên phòng tại cửa khẩu này.

Anh Bảy kể, gia đình anh có một số diện tích đất từ nhiều năm nay vốn dĩ để trồng lúa rẫy và các giống cây khác. Tuy bỏ nhiều vốn liến, công sức nhưng lại bị sâu bọ phá hoại nên đến mùa thu hoạch lại không được bao nhiêu, suy nghĩ nhiều cách nhưng vẫn chưa thể thoát nghèo.

Đến năm 2017, cán bộ đồn Biên phòng cửa khẩu Hồng Vân tuyên truyền vận động, chỉ cách làm giàu thì lúc này anh Bảy mới tìm ra bài toán nuôi con gì và trồng cây gì để giúp gia đình mình thoát nghèo.

Trong suốt câu chuyện anh Bảy kể với chúng tôi anh vẫn luôn tự hào về công việc của mình, đằng sau đó là những sự tri ân sâu sắc đối với các cán bộ đã và đang giúp đỡ mình từ những ngày khó khăn nhất.

a-luoi-1
Thiếu tá Dũng hướng dẫn cách chăn nuôi bò thả chuồn cho đồng bào ở xã Trung Sơn

Thiếu tá Nguyễn Tiến Dũng – cán bộ đồn Biên phòng cửa khẩu Hồng Vân, là cán bộ được tăng cường về làm Phó Bí thư Đảng ủy xã Trung Sơn. Kể từ khi về xã, Thiếu tá Dũng cùng với các chiến sĩ biên phòng liên tục khơi dậy khát vọng làm giàu, thoát nghèo cho người dân rẻo cao Trung Sơn.

Trước đây dù đất đai nhiều nhưng anh Bảy cũng chỉ trồng bắp, lúa rẫy nhưng lại bị chuột, bọ phá nên năng xuất không cao, cùng với đó là thói quen chăn thả rông gia súc nên khi xuất chuồng sản lượng không cao, vào mùa đông lại có nguy cơ chết rét.

Nghe lời vận động của Thiếu tá Dũng, anh Bảy mạnh dạn vay ngân hàng chính sách xã hội 20 triệu đồng mua dê, bò và heo để nuôi nhốt trong chuồng. Chuyển cơ cấu sản xuất từ thả rông sang nuôi nhốt tập trung, chuyển sang trồng chuối thay vì trồng lúa rẫy năng suất không cao.

Sự chuyển dịch mô hình sản xuất của gia đình anh Bảy thực sự là một cuộc cách mạng, giờ đây cuộc sống gia đình anh dần khấm khá, không canh cánh cái nghèo luôn vây quanh mình.

Anh Bảy hồ hởi nói rằng, để có được ngày hôm nay anh luôn biết ơn cán bộ biên phòng khi đã hướng dẫn cho anh, cầm tay chỉ việc từ cách bón phân cho cây chuối, tiêm phòng cho gia súc đến dự trữ thức ăn mỗi khi đông về tránh gia súc đói rét.

Bản A Niêng – xã Trung Sơn những ngày cuối năm lạnh giá, sương mù phủ trắng khắp nơi trong bản. Cả gia đình chị Hồ Thị Trế sống tại bản này, cái nghèo, cái khó vẫn luôn chực để “vồ” lấy gia đình chị kể từ sau khi chồng chị mất vì một vụ tai nạn giao thông. Một thân nuôi 3 đứa con đang tuổi lớn. Thương mẹ vất vả nên cả 3 đứa con chị đành bỏ học để phụ giúp mẹ mình.

Hay tin, Thiếu tá Nguyễn Tiến Dũng đã xin phép lãnh đạo cho phép mình giúp đỡ trường hợp của chị Trế. Mỗi tháng anh diành 500.000 nghìn  hỗ trợ chị Trế và 3 người con của chị, nhờ có anh cả 3 đứa con chị Trế không phải bỏ ngang con chữ giữa chừng. Anh còn cùng anh em trong đơn vị giúp cải tạo vườn rau xanh, chăn nuôi gà vịt để gia đình chị Trế có nguồn thu mỗi ngày.

Anh Bảy và chị Trế là 2 trường hợp được Bộ đội biên phòng giúp đỡ, vươn lên thoát nghèo từ mô hình “Phân công đảng viên đồn biên phòng phụ trách các hộ gia đình ở khu vực biên giới” đang giúp người dân nghèo thay đổi nếp nghĩ, cách làm, từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”.

3
Bộ đội biên phòng Thừa Thiên – Huế hướng dẫn cách chăn nuôi dê cho người dân vùng biên giới

Đồn là nhà, đồng bào là người thân gia đình

Nhiều năm qua, hình ảnh người lính Bộ đội biên phòng mang quân hàm xanh nhận các em đồng bào dân tộc thiểu số, dạy học hàng đêm dần trở nên quen thuộc đối với người dân A Lưới. Tại các đồn biên phòng, các em không chỉ được theo đuổi con chữ mà còn có cho mình một gia đình riêng là chiến sĩ biên phòng.

Lê Văn Thìn , 12 tuổi (bản A Tin, xã A Đớt, huyện A Lưới) vốn là học sinh lớp 5 trường tiểu học A Đớt nhưng đành phải nghỉ học vì hoàn cảnh gia đình. Bố bị tai biến mất sức lao động, con rẫy ở nhà không đủ nuôi sống cả gia đình nên mẹ Thình đành rời quê hương vào Nam làm thuê để nuôi cả nhà. Kể từ đó con chữ mà Thìn theo đuổi cũng đứt gánh giữa đường.

Trước hoàn cảnh của Thìn, cán bộ đồn Biên phòng cửa khẩu A Đớt đã đón em về nuôi dưỡng, nhận em làm con nuôi. Cứ như vậy, ban ngày các chiến sĩ đưa đón Thình đi học, tối đến lại cùng nhau chụm đầu vào trang sách để kèm Thìn học như chỉ cho con em ruột thịt của mình.

Theo Thượng tá Đặng Ngọc Hiệu - Chủ nhiệm Chính trị Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Thừa Thiên – Huế, nhờ có mô hình “nâng bước đến trường” nên trong nhiều năm qua nhiều em nhỏ là con em các đồng  bào dân tộc thiểu số có cơ hội đến trường học chữ, học văn hóa, không còn cảnh bỏ học giữa chừng.

Nối dài những thành công của những mô hình đậm tình người, Bộ đội biên phòng Thừa Thiên – Huế tiếp tục triển khai mô hình “Con nuôi đồn biên phòng”. Tại đây, các em nhỏ là người dân tộc thiểu số dưới 15 tuổi mồ côi cha mẹ, hoàn cảnh khó khăn sẽ được đón về đồn ăn, ở nuôi dạy học. Được biết, hiện có 3 cháu hoàn cảnh khó khăn đang được các đồn A Đớt và Hồng Vân nhận làm “con nuôi”.

Theo Thượng tá Phạm Tùng Lâm, Phó Chính ủy Bộ đội biên phòng tỉnh Thừa Thiên - Huế, hiện đơn vị này đã phân công 224 đảng viên phụ trách 1.096 hộ gia đình ở khu vực biên giới. Các đảng viên tích cực bám địa bàn, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng cũng như hoàn cảnh cụ thể của từng gia đình để tìm cách hỗ trợ người dân. Qua đó, tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cũng như các quy định của địa phương để người dân nâng cao nhận thức, tích cực xây dựng đoàn kết trong cộng đồng, góp phần thắt chặt tình quân dân.

Với  mô hình “Phân công đảng viên đồn biên phòng phụ trách các hộ gia đình ở khu vực biên giới” đang giúp người dân nghèo thay đổi nếp nghĩ, cách làm, từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”  ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND huyện A Lưới, cho hay nhờ sự hỗ trợ, giúp đỡ của các cán bộ biên phòng nhiều hộ dân đã dần thay đổi nếp nghĩ, cách làm, chí thú làm ăn, từng bước vươn lên thoát nghèo.

Đình Duy – Tuấn Tài