Bị cô lập ở LHQ, Mỹ vẫn nhất quyết bảo vệ quyết định về Cao nguyên Golan

Tạp Chí Nhân Đạo
(NĐ&ĐS) - Sau quyết định công nhận Cao nguyên Golan thuộc chủ quyền Israel, Mỹ bị các quốc gia trong Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cô lập. Tuy nhiên, phía bên Mỹ đã bảo vệ quyết định này.

Mỹ đã bị cô lập tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ngày 27/3 sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định công nhận Cao nguyên Golan thuộc chủ quyền của Israel bởi các quốc gia còn lại trong Hội đồng đều phản đối động thái này. Theo đó, 14 trong số 15 quốc gia thành viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc phản đối bước đi này.

Trước đó, ngày 25/3, Mỹ đã ký một sắc lệnh công nhận chủ quyền của Israel đối với Cao nguyên Golan, khơi mào cho làn sóng phản đối tại nhiều nước trên thế giới.

hon-5-thap-ky-bi-chiem-dong-va-nhung-toan-tinh-chien-luoc-o-cao-nguyen-golan-4
Cao nguyên Golan.

Trong lá thư yêu cầu Hội đồng Bảo an họp khẩn, Syria khẳng định hành động của Mỹ đã "vi phạm trắng trợn" nghị quyết của Hội đồng. Đồng minh Triều Tiên cũng ra tuyên bố ủng hộ "cuộc đấu tranh của chính phủ và người dân Syria nhằm giành lại cao nguyên Golan bị chiếm đóng".

Phát biểu tại cuộc họp, Đại sứ Syria tại Liên hợp quốc Bashar Jaafari khẳng định: “Syria lên án tuyên bố bất hợp pháp do Tổng thống Mỹ đưa ra vào ngày 25/03 về quy chế của Cao nguyên Golan bị chiếm đóng. Syria coi tuyên bố của Tổng thống Trump là "món quà" cho Thủ tướng Israel, là tuyên bố đơn phương của một bên. Sẽ không có giá trị pháp lý chính trị hay hợp pháp về mặt đạo đức để đưa ra các quyết định như vậy cũng như việc quyết định số phận, vận mệnh của các dân tộc khác và vùng đất mà họ thuộc về, và trong trường hợp này thì thuộc lãnh thổ của đất nước tôi”.

Bảo vệ quyết định của mình, Điều phối viên chính trị thuộc phái bộ của Mỹ tại Liên hợp quốc Rodney Hunter cho rằng, quyết định của Mỹ công nhận chủ quyền của Israel tại Cao nguyên Golan vào thời điểm này là phù hợp.

Ông Hunter nhấn mạnh: “Mỹ và Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc không thể chấp nhận những nỗ lực của Syria thiết lập sự hiện diện tại khu vực đã bị chia cắt như một chuẩn mực mới. Do đó Mỹ kêu gọi Liên bang Nga sử dụng ảnh hưởng với chính phủ của Tổng thống Syria Bashar Jaafari, gây sức ép với các lực lượng Syria để tuân thủ cam kết của mình và ngay lập tức rút khỏi khu vực bị chia tách”.

Tuy vậy, nhiều nước đồng minh của Mỹ cũng không ủng hộ quyết định này. Đại sứ Anh tại Liên hợp quốc Karen Pierce cho rằng, quyết định của Mỹ đi ngược lại với Nghị quyết 1981. Các nước thành viên của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc bao gồm Pháp, Anh, Đức, Bỉ và Ba Lan cũng bày tỏ lo ngại về những hậu quả lớn hơn của quyết định này đối với khu vực.

Israel chiếm đóng Cao nguyên Golan trong thời gian xảy ra chiến tranh Trung Đông 1967, sau đó sáp nhập vào lãnh thổ của mình năm 1981, động thái không được cộng đồng quốc tế công nhận. Với quyết định công nhận chủ quyền của Israel về Cao nguyên Golan và trước đó công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel được đánh giá là "món quà" mang lại lợi thế lớn cho Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu trong cuộc bầu cử quan trọng tại quốc gia này tháng tới.

Quang Minh (t/h)