BHXH tỉnh Sơn La tích cực đẩy mạnh chuyển đổi số

Nguyễn Thị Hương
Với phương châm “lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ”, thời gian qua, Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh Sơn La tích cực tập trung mọi nguồn lực, quyết liệt triển khai mạnh mẽ việc chuyển đổi số toàn diện và hiệu quả.
bh-son-la-1700475966.jpg

Cán bộ Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sơn La thực hiện đăng ký khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế .

(Ảnh: BHXH Sơn La)

Thực hiện Kế hoạch số 32/KH-UBND ngày 26/01/2022 của Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Sơn La, triển khai thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030, theo Quyết định 06/QĐ-TTg ngày 6-1-2022 của Thủ tướng Chính phủ (gọi tắt Đề án 06), Quyết định số 299/QĐ-BHXH ngày 01/3/2023 của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam ban hành Kế hoạch triển khai Đề án của Bảo hiểm xã hội Việt Nam năm 2023, BHXH tỉnh Sơn La đã thường xuyên quán triệt mục tiêu, nội dung Đề án đến toàn thể công chức, viên chức, người lao động, đồng thời tập trung mọi nguồn lực, quyết liệt triển khai mạnh mẽ việc chuyển đổi số toàn diện và hiệu quả.

Xác định dữ liệu định danh cá nhân là khâu đầu tiên, quan trọng nhất để triển khai thực hiện Đề án, BHXH tỉnh Sơn La đã ban hành các văn bản về việc kê khai số căn cước công dân CCCD gắn chíp điện tử, số định danh cá nhân đối với người tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) gửi đến các đơn vị sử dụng lao động, UBND xã, phường, thị trấn, các cơ sở giáo dục, đại lý thu BHXH, BHYT trên địa bàn tỉnh để phối hợp đề nghị người tham gia BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) kê khai số CCCD hoặc số định danh cá nhân để cơ quan BHXH nhập vào cơ sở dữ liệu. Tính đến ngày 01/10/2023, số người tham gia BHXH, BHYT được đồng bộ cơ sở dữ liệu dân cư là 1.109.796 người (đạt tỷ lệ 95,3%)

Trên cơ sở dữ liệu người tham gia BHXH, BHYT đã được đồng bộ với CSDLQG về dân cư, BHXH tỉnh đã phối hợp các cơ sở KCB BHYT triển khai việc sử dụng CCCD đi khám chữa bệnh BHYT. Tính đến 01/10/2023 có 228/228 (đạt tỷ lệ 100%) cơ sở khám chữa bệnh BHYT đã sử dụng thẻ CCCD trong khám chữa bệnh. Lũy kế từ đầu năm số lượt tra cứu là 641.189 lượt, số lượt tra cứu thành công 501.650 lượt (tỷ lệ 78,23%); triển khai liên thông dữ liệu giấy chứng sinh (6.307 hồ sơ), liên thông giấy báo tử (43 hồ sơ), liên thông giấy khám sức khỏe lái xe (17.925 hồ sơ). Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong tất cả các quy trình, nghiệp vụ của ngành, bảo đảm an toàn dữ liệu, an ninh mạng, tăng mức độ chính xác, giảm tối đa làm việc trực tiếp. Các đơn vị tham gia BHXH trên địa bàn tỉnh đăng ký phương thức giao dịch điện tử, đạt tỷ lệ 100%.

Bên cạnh đó, BHXH tỉnh Sơn La đã tích cực chỉ đạo việc triển khai cài đặt, sử dụng ứng dụng VssID-BHXH số. Với phương châm “Lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ”, BHXH tỉnh đã phát động phong trào thi đua triển khai cập nhật bổ sung số định danh cá nhân/căn cước công dân của người tham gia trong CSDL BHXH Việt Nam quản lý và cài đặt, phê duyệt, sử dụng ứng dụng VssID BHXH số trong toàn ngành. Đến hết tháng 9/2023 tổng số người cài đặt và sử dụng ứng dụng VssID là 33.394 người.

Ông Thiều Quang Ngãi, Giám đốc BHXH tỉnh Sơn La, cho biết: Công tác chuyển đổi số được thực hiện, triển khai trong các hoạt động quản lý nghiệp vụ của BHXH tỉnh Sơn La, đây được coi là một trong những nhiệm vụ quan trọng, điều kiện tiên quyết cho đổi mới phương thức hoạt động và hiện đại hóa ngành BHXH. Thời gian tới, BHXH tỉnh tiếp tục khai thác, ứng dụng các hệ thống phần mềm nghiệp vụ liên thông tập trung, kết nối, chia sẻ dữ liệu thuộc lĩnh vực giải quyết nghiệp vụ của ngành. Kịp thời rà soát, đề xuất cấp trên việc cập nhật, nâng cấp, điều chỉnh các phần mềm nghiệp vụ khi quy định hiện hành có sửa đổi, bổ sung.

Có thể thấy, việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong ngành BHXH đã góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính hướng đến sự hài lòng cho người dân và doanh nghiệp; tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các đơn vị sử dụng lao động, người lao động tham gia BHXH, BHYT, người thụ hưởng các chế độ BHXH, BHYT, BHTN giao dịch với cơ quan BHXH; nâng cao hiệu quả xử lý công việc của công chức, viên chức, người lao động trong đơn vị.

phat-trien-bhxh-tu-nguyen-o-so-9499-5544-1635302480-1200x0-1700475919.png
Thời gian qua, BHXH Sơn La đã triển khai nhiều giải pháp thu hút đông đảo người dân tham gia bảo hiểm. (Ảnh: Thy Lê)

Với những lợi ích thiết thực của bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế hộ gia đình, thời gian qua, BHXH Sơn La đã triển khai nhiều giải pháp thu hút đông đảo người dân tham gia. Tuy nhiên, với đặc thù là tỉnh miền núi với điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn; lực lượng lao động tự do, tự tạo việc làm chưa tham gia BHXH còn lớn (chiếm trên 85%), đa số là người dân tộc thiểu số, trình độ văn hóa không đồng đều, thu nhập của người dân thấp, không ổn định, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, mức hỗ trợ từ nguồn ngân sách nhà nước cho người tham gia BHXH tự nguyện còn thấp nên mức độ bao phủ bảo hiểm còn chưa cao. Trong thời gian tới, BHXH Sơn La cần tiếp tục thực hiện đồng bộ các chính sách, giải pháp khuyến khích người trong độ tuổi lao động tham gia BHXH, đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Từ đó, củng cố và nhân rộng niềm tin của người dân trên địa bàn tỉnh vào các chính sách ưu việt của BHXH, BHYT./.

Mai Chi