Trân quý nhất là các thành viên tham gia tại bếp từ thiện đều không nhận thù lao, chỉ cống hiến để phục vụ cộng đồng. Đối với họ, học tập và làm theo Bác chẳng đâu xa, mà làm việc gì có lợi nhất cho dân, cho nước: Ngày ngày nấu cơm phát miễn phí, đồng hành với bệnh nhân trong lúc điều trị tại bệnh viện, bằng cái tâm của mình.
ÔngVõ Minh Dũng (Phó Trưởng ban Thường trực Cơ sở nhân đạo xã hội bệnh viện) cho biết: “Cơ sở được hình thành và phát triển từ năm 1983, đơn giản chỉ từ những thùng nước sôi từ thiện của chú Ba Đạt. Sau đó, thành lập Cơ sở nhân đạo xã hội bệnh viện, trực thuộc Hội Chữ thập đỏ tỉnh.
Sau khi Bệnh viện ĐKTT An Giang dời về địa chỉ mới, nơi bệnh viện cũ được chuyển thành Bệnh viện Sản - Nhi An Giang, bếp ăn của Cơ sở nhân đạo xã hội bệnh viện dời tạm qua trụ sở của Hội Chữ thập đỏ tỉnh.
Từ tháng 4/2019, UBND tỉnh đã chấp thuận khởi công công trình “Nơi làm việc và bếp từ thiện” phục vụ bệnh nhân đang điều trị tại các bệnh viện (số 11B, đường Lê Lợi, phường Mỹ Bình, TP. Long Xuyên), kinh phí xây dựng trên 2 tỷ đồng từ nguồn vận động, giúp cơ sở có nơi tập kết thực phẩm, nấu nướng khang trang”.
Mỗi ngày, tại bếp từ thiện, tình nguyện viên nấu hơn 350kg gạo, 500-600kg rau, củ, cung cấp từ 2.000-3.000 suất ăn cho hoàn cảnh đau bệnh đang chữa trị tại các bệnh viện; những người có hoàn cảnh khó khăn, người bán vé số... Dù là phần ăn chay, nhưng luôn được đầu bếp chế biến bằng cả tấm lòng, với nhiều món xào, canh, món kho và được đổi món mỗi ngày.
Để bếp ăn luôn đỏ lửa, có được bữa cơm ấm lòng, ngoài những người làm thiện nguyện tại cơ sở, không thể thiếu tấm lòng hảo tâm thường xuyên góp gạo, rau, củ, đậu hũ, đường, nước tương, bột ngọt, dầu ăn...
“Thường xuyên đồng hành cùng bếp từ thiện có dì Năm Khải (chủ vựa trái cây Năm Khải, chợ Long Xuyên), từ 5 năm nay đều đặn mỗi tuần chở đến 1 xe đồ rẫy (bầu, bí, bắp cải...) trị giá khoảng 3 triệu đồng. Cùng với đó là nhiều tấm lòng thiện nguyện, như: Dì Út Nguyệt, dì Năm Lệ, ông Công Nhân (TP. Long Xuyên); anh Duy, chị Xuân (huyện Chợ Mới); cô Hạnh, Năm Tổng (huyện Thoại Sơn); cô Chóp, Tư Ri (huyện Châu Phú)... giúp bếp ăn duy trì liên tục 365 ngày/năm, kể cả lúc dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp” - ông Dũng chia sẻ.
Điểm phát cơm tại Bệnh viện Đa khoa Trung tâm An Giang
Lực lượng tình nguyện viên thường trực của cơ sở gần 20 người, gồm 5 tổ thay phiên nhau nấu. Bằng tấm lòng thiện nguyện, các thành viên luôn cố gắng vượt khó, hết mình vì công tác xã hội, nên duy trì hoạt động đến hôm nay.
Từ 4 giờ sáng, 10-15 người trong tổ bắt đầu chuẩn bị nguyên liệu nấu cơm, thức ăn và mang đến cho 4 bệnh viện để phát cơm cho bà con ngày 2 buổi. Với ông Nguyễn Văn Lừa (56 tuổi, huyện Châu Thành), niềm vui của ông là cứ 8 giờ và 14 giờ mỗi ngày, được mang cơm vào Bệnh viện ĐKTT An Giang phát cho bệnh nhân nghèo và thân nhân. Một ngày, ông mang khoảng 20-21 vỉ cơm, kèm theo thức ăn cho bà con. Công việc được ông duy trì suốt 6 năm nay.
Nhà hảo tâm mang rau củ đến cho “Bếp từ thiện”
“Đã đồng hành cùng cơ sở nhân đạo được 13 năm, cứ 3 giờ sáng là tôi thức dậy nấu cơm, 8 giờ 30 phút chạy xe đưa cơm vào Bệnh viện ĐKTT An Giang. Rồi có khi tôi làm tài xế chở củi, chạy xe chuyển bệnh miễn phí hay đưa bệnh nhân về nhà” - ông Huỳnh Văn Khâm (78 tuổi, huyện Châu Thành) chia sẻ.
Còn ông Nguyễn Văn Sáu (73 tuổi, huyện Chợ Mới) chia sẻ: “Từ năm 2010 đến nay, tôi đi xin đồ rẫy chở qua đây hàng ngày, khoảng 1 tấn/chuyến. Sau đó, tôi ở lại cùng anh em phát cơm miễn phí cho người dân. Tôi nguyện sống “tốt đời, đẹp đạo”, làm thiện nguyện, đóng góp công sức cho người dân, xã hội”.
Lặng lẽ hơn 20 năm nay, ông Nguyễn Hữu Hùng (63 tuổi, huyện Chợ Mới) đều có mặt tại Cơ sở nhân đạo xã hội. Do sức khỏe giờ suy giảm, ông Hùng nhận việc vô sổ sách những đóng góp của nhà hảo tâm, ghi giấy cảm tạ, rồi ghi lên bảng công khai để mọi người cùng nắm. Cứ thế, bếp ăn luôn đỏ lửa, mang đến những suất cơm làm ấm lòng bệnh nhân nghèo…
Ông Võ Minh Dũng (Phó Trưởng ban Thường trực Cơ sở nhân đạo xã hội bệnh viện) cho biết, năm 2022, tổng giá trị hoạt động phục vụ bệnh nhân hơn 3,4 tỷ đồng. Bếp ăn đã cấp 585.798 suất cơm, ước giá trị miễn phí hơn 2,9 tỷ đồng; phục vụ nước sôi gần 320.000 lít, trị giá 475 triệu đồng; hỗ trợ chuyển 110 lượt bệnh nhân về gia đình... Tuy nhiên, đa phần tình nguyện viên nấu cơm đều lớn tuổi, số lượng giảm xuống, rất cần thêm tấm lòng hảo tâm tham gia.
HẠNH CHÂU