Phòng khám của chùa Vạn Thọ tại 247 đường Hoàng Sa, phường Đa Kao, Quận 1, TP. HCM đã hoạt động được gần 40 năm nay. Người khởi xướng mở cửa phòng khám này là Hòa thượng Thích Thanh Sơn, trụ trì chùa Vạn Thọ.
Gần 40 năm trước, thầy Thanh Sơn ngoài là tu sĩ còn là một lương y, chuyên khoa trật đả, bấm huyệt. Với suy nghĩ nhà sư không thể chỉ lo việc cầu nguyện, truyền bá Phật pháp mà còn phải tích cực làm việc xã hội, giúp đỡ mọi người, thầy đã nảy ra ý định mở phòng khám bệnh miễn phí khi thấy có quá nhiều người nghèo xung quanh phải tiêu tốn nhiều tiền để chữa trị và ngay cả các bệnh viện cũng thường xuyên bị quá tải.
Kể từ thời điểm đó, phòng trị bệnh miễn phí chùa Vạn Thọ được ra đời và hoạt động xuyên suốt cho đến ngày nay, giúp đỡ cho rất nhiều người nghèo.
Phòng khám mở cửa vào 14h chiều mỗi ngày. Lúc đó, tất cả người chờ khám đều được phát một chiếc thẻ nhỏ ghi số thứ tự khám bệnh, chuyên nghiệp như đi khám ở bệnh viện. Sau đó, người bệnh được gọi tên lần lượt theo thứ tự để vào gặp lương y - những sư thầy ở chùa đã được học qua các khóa đào tạo khám, chữa bệnh.
Sau khi hỏi thăm về tình trạng của bệnh nhân, chẩn đoán, đưa ra phương án điều trị rồi lưu thông tin bệnh nhân vào sổ. Người bệnh sau đó sẽ được hướng dẫn sang một chiếc bàn dài gần đó và ngồi chờ có người đến đắp thuốc, băng bó.
Quy trình cứ thế lặp đi, lặp lại và không lúc nào thưa người trong suốt 3 tiếng mở cửa ngắn ngủi (từ 14h-17h). Trung bình mỗi ngày, “bệnh viện” có diện tích vẻn vẹn 50m2 đón tiếp từ 150-200 bệnh nhân, đông nhất là những buổi đầu tuần.
Những bệnh nhân tìm đến phòng khám này đa phần là người lao động chân tay, dễ mắc các vấn đề về khớp, đau cơ, bong gân trong quá trình làm việc.
Nhiều người tìm đến phòng khám vì không đủ điều kiện kinh tế điều trị ở bệnh viện, nhưng cũng có người đến đây đơn giản vì thích cách điều trị bằng phương pháp y học cổ truyền, và họ sẽ đóng góp tiền vào thùng công quả được đặt ngay trong phòng khám.
Thành phần thuốc chữa bệnh tại phòng chẩn trị bao gồm các loại củ và thảo dược, được thầy Thanh Sơn đặt trồng tại Long Thành rồi bào chế bằng công thức riêng theo phương pháp y học cổ truyền. Bốn tháng, khoảng 1,5 tấn thuốc sẽ được chở từ Long Thành về chùa.
Hỏi về kinh phí để mua được lượng thuốc lớn này, thầy Thanh Sơn cho biết: “Cũng từ thập phương bá tánh đóng góp, nhưng mình có phòng khám thì phải chi vào phần này nhiều hơn, chia sẻ gánh nặng cho xã hội”.
Tuy nhiên, trong mấy năm gần đây, do tuổi cao, sức yếu, thầy giao lại công việc này cho các đệ tử, như thầy Trung Hảo, Đức Nguyên, Đức Hòa. Đây đều là những lương y, đã học qua các khóa đào tạo tại những trường đại học lớn ở TP.HCM như Đại học Y dược TP.HCM, Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch và được thầy Thanh Sơn trực tiếp hướng dẫn, truyền kinh nghiệm.
Phụ giúp trong phòng khám còn có những Phật tử, tình nguyện vào chùa làm việc như những “y tá, điều dưỡng”. Mỗi ngày, họ phải vào chùa từ lúc 12h30 để cắt lá thuốc, nấu thuốc, phụ giúp các sư thầy đắp thuốc cho bệnh nhân. Sau khi bệnh nhân về hết, họ còn phải nán lại phòng khám để quét dọn và rửa các dụng cụ và trở về nhà khi trời đã sập tối.