Hơn 1.400 trẻ mắc Adenovirus, 7 trường hợp tử vong: Phụ huynh nên chủ động phòng bệnh cho con

Đặng Thu Hằng
Thời gian gần đây, số ca mắc Adenovirus dương tính phát hiện tại Bệnh viện Nhi Trung ương tăng cao, diễn biến bệnh rất phức tạp.

Theo số liệu Bệnh viên Nhi trung ương vừa cập nhật, từ tháng 8/2022 đến nay, số bệnh nhi dương tính với Adenovirus dương tăng cao. Tổng số ca nhiễm Adenovirus ghi nhận trong toàn Bệnh viện từ đầu năm 2022 là 1.406 ca bệnh, số ca bệnh nội trú 811 (chiếm gần 58%) với 7 ca tử vong.

Trong đó, chỉ tính riêng từ tháng 8 đến ngày 21/9/2022, tổng số ca bệnh Adenovirus phát hiện là 1.316 trường hợp với 738 bệnh nhân nội trú. Tỷ lệ chung trẻ mắc Adenovirus nhập viện chiếm khoảng 4% so với tổng số người bệnh điều trị nội trú.

a5-1663856036.jpeg
Số bệnh nhi nhiễm Aenovirus tăng cao. (Ảnh: Bệnh viện Nhi trung ương)

Không chỉ riêng tại Bệnh viện Nhi trung ương, ghi nhận tại khoa Nhi hô hấp của Bệnh viện Xanh Pôn được xác định là nhiễm Adenovirus. Chủ yếu là trẻ dưới 5 tuổi. Triệu chứng chung là sốt cao liên tục. Nhiều trường hợp có kèm viêm kết mạc, ho, tiêu chảy nhưng có những trường hợp có dấu hiệu suy hô hấp mới được nhập viện.

Còn tại khoa Nhi Bệnh viện Thanh Nhàn, 3 tuần qua, trung bình tiếp nhận 30 trẻ mắc bệnh về đường hô hấp mỗi ngày. Bệnh viện đã phải điều động thêm giường từ khoa khác sang. Đây cũng là những bệnh nhi có nguy cơ khó thở cao. Còn các trường hợp viêm đường hô hấp được chỉ định về theo dõi tại nhà.

Theo PGS.TS Lê Thị Hồng Hanh - Giám đốc Trung tâm Hô Hấp, BV Nhi Trung ương cho biết trẻ nhiễm Adenovirus thường có các biểu hiện như: Sốt cao, ho, khò khè, có thể kèm theo viêm kết mạc mắt và rối loạn tiêu hóa. Với trẻ có biểu hiện nặng thì xuất hiện tình trạng khó thở.

“Virus Adeno có khả năng lây lan nhanh trong cộng đồng và gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời như: suy hô hấp, nhiễm khuẩn huyết, suy đa tạng. Bệnh còn có thể để lại các biến chứng lâu dài, gây ảnh hưởng đến sức khoẻ của trẻ hội chứng viêm tiểu phế quản bít tắc sau nhiễm trùng, giãn phế quản, xơ phổi”, bà Hanh thông tin.

Chuyên gia lưu ý, để đề phòng nguy cơ nhiễm bệnh cho các con, người mẹ nên cho trẻ bú sớm, ngay sau sinh, bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, bú kéo dài đến 2 tuổi. Chế độ ăn dặm của trẻ hợp lý, đủ các thành phần dinh dưỡng. Giữ gìn môi trường sống của trẻ sạch sẽ, thoáng mát, không có khói, bụi, khói thuốc lá. Vệ sinh mũi họng cho trẻ thường xuyên: nhỏ mũi bằng nước muối sinh lý (với trẻ nhỏ), trẻ lớn hơn cho súc miệng nước muối sinh lý.

Thêm vào đó, các bố mẹ cũng nên: Hướng dẫn trẻ hình thành thói quen rửa tay thường xuyên, chú ý rửa tay bằng xà phòng thường, rửa dưới vòi nước chảy, thời gian rửa 20 giây; Khử trùng bát đũa và không dùng chung bát đũa với người khác; Hạn chế đưa trẻ dưới 2 tuổi đến nơi đông người, khi tiếp xúc chú ý giữ khoảng cách an toàn, không tiếp xúc với người ốm.