Tham dự buổi lễ có Nguyên phó chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, Nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế Trần Thị Trung Chiến, Trưởng Ban Nội chính Thành uỷ TP.HCM Lê Thanh Liêm, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương là cơ sở đa khoa hạng một, thuộc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh. Từ một trạm y tế đặt trong ngôi nhà lá nhỏ của một đông y sĩ chuyên chữa trị miễn phí cho cộng đồng người Hoa ra đời năm 1903, nơi này từng bước phát triển, được đổi tên thành Bệnh viện Nguyễn Tri Phương năm 1978. Hiện, mỗi năm bệnh viện khám gần 600.000 lượt bệnh nhân ngoại trú, điều trị gần 50.000 lượt bệnh nội trú.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương được biết đến với các thế mạnh trong điều trị nội - ngoại thần kinh, nội tiết, chấn thương chỉnh hình, tiêu hóa, lọc máu, chạy thận, kỹ thuật kích thích não sâu đối với bệnh nhân Parkinson, đặt stent mạch vành, điều trị đột quỵ, điều trị chậm tăng trưởng … nên đã thu hút rất nhiều bệnh nhân trên địa bàn thành phố và các tỉnh thành khác.
Bên cạnh đó, bệnh viện còn có hệ sinh thái hỗ trợ bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn. Ngoài ra, các hoạt động hỗ trợ khác về sinh hoạt thiết yếu, nâng đỡ tinh thần, gian hàng chia sẻ yêu thương, chuyến xe nghĩa tình đã mang đến sự hỗ trợ cần thiết cho nhiều người bệnh.
Với bề dày lịch sử của các thế hệ y bác sĩ trong 120 năm qua cùng những đóng góp tích cực trong công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân, bệnh viện Nguyễn Tri Phương đã vinh dự được nhận Huân chương Lao động Hạng 3 của Chủ tịch Nước.
Đại diện cho đội ngũ y tế đang công tác tại bệnh viện, Bác sĩ chuyên khoa 2 Võ Đức Chiến - giám đốc bệnh viện Nguyễn Tri Phương bày tỏ sự vinh dự khi đón nhận phần thưởng cao quý do Đảng và Nhà Nước trao tặng.
“Trong suốt hành trình 120 năm, nhiều thế hệ của bệnh viện Nguyễn Tri Phương cùng với sự hỗ trợ nguồn lực từ các trường đại học ngành y dược, sự quan tâm của lãnh đạo Thành uỷ Thành phố, Sở Y Tế, ban ngành qua nhiều thời kỳ cùng tấm lòng bao dung của cộng đồng thiện nguyện chính là nguồn năng lượng tích cực nhất để mỗi ngày các chiến sĩ áo trắng của bệnh viện tiếp tục cống hiến thầm lặng, bền bỉ, tận tâm, hết mình vì sự nghiệp y tế”, Bác sĩ Võ Đức Chiến cho biết.
Tại buổi lễ, ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh đã ghi nhận những đóng góp của Bệnh viện Nguyễn Tri Phương với việc chăm sóc sức khỏe nhân dân. Đây chính là niềm tự hào của các lớp kế tục để từ đó vươn lên làm tròn thiên chức của người cán bộ y tế. Bệnh viện Nguyễn Tri Phương cùng các bệnh viện khác không ngừng phát triển các kỹ thuật chuyên sâu ngang tầm các nước trong khu vực, hướng đến mục tiêu xây dựng TP Hồ Chí Minh là trung tâm chăm sóc sức khỏe khu vực ASEAN. Thành phố không chỉ tập trung chăm sóc sức khỏe và điều trị bệnh cho hơn 10 triệu dân trên địa bàn mà còn tiếp nhận người bệnh đến từ rất nhiều địa phương trong cả nước, kể cả người nước ngoài.
Phó chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh những gì mà bệnh viện Nguyễn Tri Phương đang triển khai là phù hợp với chủ trương nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, chăm sóc sức khoẻ nhân dân cũng như xây dựng hệ thống y tế thông minh mà TP Hồ Chí Minh đang hướng tới.
“Tôi tin tưởng bệnh viện Nguyễn Tri Phương sẽ tiếp tục cùng với ngành y tế thành phố thực hiện hiện quả các chương trình, đề án góp phần vào sự phát triển chung của thành phố cũng như sự nghiệp bảo vệ chăm sóc sức khoẻ người dân”, ông Dương Anh Đức kỳ vọng.
Theo ông Đức, ngành y tế cần tập trung cải thiện chất lượng khám chữa bệnh, đào tạo nhân lực cho các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa hướng đến phát triển y tế kỹ thuật cao, kỹ thuật chuyên sâu, tiệm cận với các tiêu chuẩn quốc tế nhằm đáp ứng nhu cầu của người bệnh trong và ngoài nước.
Cũng trong dịp này, Bộ Y tế cũng đã chính thức công nhận bệnh viện Nguyễn Tri Phương là bệnh viện công đầu tiên của TP Hồ Chí Minh đủ điều kiện triển khai bệnh án điện tử mà không cần bệnh án giấy. Từ ngày 1/1/2024, bệnh viện bắt đầu không sử dụng bệnh án giấy, lưu trữ và truyền tải hình ảnh y tế thay cho việc in phim, lưu trữ thông tin xét nghiệm thay cho in giấy.
Việt Nam hiện có khoảng 1.300 cơ sở y tế, gồm khoảng 135 bệnh viện hạng một công lập (tuyến trung ương, địa phương) và tư nhân. Đến giữa tháng 8, cả nước có mới chỉ 50 cơ sở y tế (gồm cả công lập và tư nhân) chính thức công bố chuyển từ bệnh án giấy sang bệnh án điện tử.
Bệnh án điện tử là một trong nhiều mục tiêu chiến lược chuyển đổi số y tế quốc gia. Theo Thông tư 46/2018, Bộ Y tế đặt mục tiêu đến năm 2023 các bệnh viện hạng một trở lên phải triển khai bệnh án điện tử; từ năm 2024-2028, tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh phải triển khai hồ sơ bệnh án điện tử, tuy nhiên quá trình triển khai rất chậm. Trong dự thảo mới đây, Bộ đề xuất đến hết năm 2025, tất cả bệnh viện trên cả nước phải áp dụng hồ sơ bệnh án điện tử.