Bệnh viện đầu ngành "đau đầu" tìm thuốc tê, nguy cơ phải dừng hoạt động trong 2 tuần nữa

Đặng Thu Hằng
Thiếu thuốc tê trầm trọng đã khiến bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương - tuyến điều trị cao nhất về răng hàm mặt trong cả nước phải thông báo có khả năng phải đóng cửa nếu tình trạng này còn tiếp tục kéo dài.

Theo Tiến sĩ, Bác sĩ Phạm Thanh Hà, Phó giám đốc Viện Răng Hàm Mặt Trung ương cho biết: "Chúng tôi vừa được báo lại là 2 tuần nữa sẽ hết thuốc tê. Với cơ sở răng hàm mặt như chúng tôi nếu không có thuốc tê thì nguy cơ đóng cửa rất cao. Hiện nay do một số loại thuốc tê đã hết. Bệnh viện phải thay thế bằng loại thuốc tê khác tính năng tương tự nhưng cũng rất khó".

rang-ham-mat-2-1663350244.jpeg

Bệnh viện Răng Hàm Mặt TW kêu "chỉ còn 2 tuần là hết thuốc tê". (Ảnh: Lao Động)

Nguyên nhân khiến Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương rơi vào tình trạng cạn kiệt thuốc tê là do giấy phép lưu hành thuốc tê của các công ty dược chưa được gia hạn, trong khi chỉ có 2-3 đơn vị nhập loại thuốc này về Việt Nam. Thêm vào đó, trên thế giới cũng không có nhiều nhà sản xuất thuốc tê nên việc tìm sản phẩm thay thế khác gặp nhiều thách thức.

Thuốc gây tê được chia làm 2 loại là chứa chất gây co mạch và chống gây co mạch. Loại thuốc tê có chứa chất gây co mạch có khả năng tê sâu hơn nhưng lại có nhược điểm là gây tăng huyết áp. Vì thế, người bệnh bị tăng huyết áp, tim mạch, nhịp tim nhanh không chỉ định dùng loại này.

Bác sĩ Hà thông tin, vấn đề thiếu thuốc trước đây chỉ gặp ở cơ sở công lập là chính, tư nhân vẫn mua được nhưng nay thì cả tư nhân cũng thiếu. Mà thời gian để thuốc được nhập về đến Việt Nam sẽ mất tầm 3-4 tháng. Do vậy ông hy vọng các cơ quan quản lý sớm có giải pháp tháo gỡ khó khăn này để việc cứu chữa bệnh nhân của bệnh viện được diễn ra kịp thời.

Hiện Bộ Y tế chưa có phản hồi về đề nghị của Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương.

Bệnh viện Bạch Mai cũng đang thiếu thuốc giải độc. Nguyên nhân đây là các thuốc đặc biệt, hiếm, nhiều công ty không muốn nhập khẩu vì lợi nhuận thấp. Các bệnh viện cũng không thể dự trữ, trong khi thuốc lại có hạn sử dụng.

Trước đó, việc thiếu các loại thuốc hiếm, thiếu trầm trọng thuốc tê, thiếu chỉ khâu, thậm chí cả dao mổ là tình trạng chưa từng xảy ra từ lâu nay. Nó không chỉ khiến các bệnh viện lớn hoang mang mà còn làm cho các bác sĩ, các phòng khám tư "điêu đứng".