Bệnh viện công mất nguồn nhân lực “vàng”, lỗi tại cơ chế?

Nguyễn Hồng Hạnh
Tình trạng nghỉ việc của cán bộ y tế vẫn đang tiếp tục tiếp diễn ở nhiều mức độ: từ công sang tư, xin chuyển sang lĩnh vực khác, thậm chí có nhiều trường hợp mất việc.

“Làn sóng” xin nghỉ việc ngày càng gia tăng

Theo Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, năm 2020 có gần 600 nhân viên y tế tại các cơ sở công lập trực thuộc xin nghỉ việc; năm 2021 có gần 1.000 người; Còn những tháng đầu năm 2022, đã có hơn 400 người xin nghỉ việc.

Bệnh viện Bạch Mai – một trong những bệnh viện lớn của khu vực phía Bắc, chỉ tính riêng trong năm 2020-2021, đã có hơn 200 y bác sĩ nghỉ việc, chuyển việc, trong đó có những người có học hàm Giáo sư, Phó Giáo sư hay học vị Tiến sĩ.

Theo dự báo, số nhân viên y tế xin nghỉ việc vẫn chưa dừng lại.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí, đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội cho biết: trong thời gian vừa qua, cá nhân ông tham gia các Đoàn giám sát của QH, nhất là của Ủy ban Xã hội thì mới thấy tình trạng cán bộ y tế nghỉ việc xảy ra không chỉ ở Thành phố Hồ Chí Minh mà gần như ở tất cả các tỉnh thành như Hà Nội, Quảng Ninh, Quảng Bình…. Hiện tượng đó không chỉ phổ biến và rộ lên trong giai đoạn chống dịch nặng nề nhất mà đến bây giờ vẫn còn tiếp diễn.

“Đó là một thực trạng đáng lo ngại”, đại biểu Nguyễn Anh Trí nhấn mạnh.

Những nguyên nhân được đại biểu Nguyễn Anh Trí lý giải: thứ nhất do đại dịch Covid-19 công việc quá nhiều áp lực, đặc biệt là y tế tuyến cơ sở, khi rất nhiều nhân viên y tế tại thành phố Hồ Chí Minh đã phải đối diện với hội chứng “burned-out” - hội chứng suy sụp về thể chất và tinh thần do quá tải công việc và bị căng thẳng (stress) sau dịch COVID-19.

Thứ hai là chế độ, chính sách đối với nhân viên y tế ngày càng bộc lộ rõ những bất cập, không thỏa đáng.

Một nguyên nhân nữa là sự khác biệt rất lớn về kinh tế, thu nhập giữa lĩnh vực y tế công – tư. Điều đó khiến sự chuyển dịch nguồn nhân lực y tế từ bệnh viện công lập về các cơ sở y tế ngoài công lập, tư nhân diễn ra mạnh mẽ.

Trả lời báo chí, BS Phạm Văn Dũng – Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai cho biết: Nguyên nhân lương thấp và điều kiện làm việc cực hơn rất nhiều khiến các bác sĩ nghỉ việc. Đặc biệt là trong điều kiện thời gian vừa qua, các bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên y tế phải tham gia chống dịch vất vả và còn ảnh hưởng tới thu nhập.

Cũng theo bác sĩ Dũng: Ở bệnh viện tư nhân không phải tham gia chống dịch cực khổ như Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất khi các bác sĩ và nhân viên y tế phải tham gia hồi sức COVID-19, tham gia bệnh viện dã chiến và tham gia đi tăng cường các địa phương, nhưng lại chưa nhận được chế độ đãi ngộ thích đáng. Trong khi đó, ở các bệnh viện tư nhân, công việc nhàn hơn, là điều kiện thuận lợi để thu hút bác sĩ.

Đại biểu của Thành phố Hà Nội cho rằng: Chúng ta không nên lên án họ vì ở khu vực công lập hay khu vực tư nhân, bác sĩ, nhân viên y tế đều góp sức cứu chữa người bệnh. Tuy nhiên, cần phải xem lại chính sách, chế độ, cách thức tổ chức, phân công bố trí công việc ở hệ thống y tế công lập. Bởi sự dịch chuyển này tạo nên những “khoảng trống” trong quá trình vận hành tại các cơ sở y tế công lập. Trong khi đó có một điều chắc chắn rằng, việc tuyển chọn, đào tạo được một bác sĩ giỏi không hề đơn giản. Khi đó, thiệt thòi lớn nhất vẫn là người dân.

Y tế công lập cần sớm điều chỉnh chế độ chính sách cũng như vấn đề tổ chức

Là một người hơn 40 năm công tác trong ngành y, đại biểu Nguyễn Anh Trí bày tỏ quan điểm: cán bộ y tế của chúng tôi cần được làm việc để được đóng góp, để được cống hiến và để được thể hiện mình nhất là những bác sĩ có tay nghề cao.

“Những ý kiến cho rằng một số cán bộ y tế đã bạc nhược, đã sợ dịch bệnh, đã biếng nhác trong lĩnh vực của mình và chọn nghề khác cho dễ hơn thì tôi cho là không thật sự đúng”.

Trong 3 năm chống dịch Covid-19, hiện chúng ta đã kiểm soát được tình hình, cuộc sống, sinh hoạt đã trở lại bình thường. Có được kết quả như ngày hôm nay là sự vào cuộc của toàn Đảng toàn dân. Nhưng cán bộ y tế là thành phần tham gia chống dịch tích cực nhất, cam go nhất. Thế nhưng đến bây giờ dịch bệnh kiểm soát tương đối thì gần như trong y tế chỗ nào cũng có “vấn đề”. Đây là vấn đề cần xem lại.

Luật pháp chưa được bao phủ để tạo điều kiện cho bác sĩ làm việc cho đúng. Cán bộ y tế không sợ trực đêm trực hôm, không phải “sợ” trong vấn đề mua sắm trang thiết bị, hóa chất, sinh phẩm, thuốc men cho bệnh nhân nhưng rõ ràng hành lang pháp lý chưa ổn nên nếu làm thì dễ bị sai phạm.

"Nên nhìn sự việc ở góc độ đúng đắn hơn để điều chỉnh pháp luật", đại biểu Nguyễn Anh Trí, đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội bày tỏ. Cán bộ y tế cần một sự “an yên” để làm việc, để cống hiến. Muốn làm được việc này, các nhà hoạch định chính sách vĩ mô cần sớm thay đổi tư duy trong quản lý, vận hành hệ thống y tế; cần có đủ cơ chế để tăng thu nhập cho nhân viên y tế./.