Bến Tre: Chi hỗ trợ cho hơn 321.000 lao động khó khăn do đại dịch

Nguyễn Thị Quỳnh Mai
Tỉnh Bến Tre đã chi hỗ trợ cho 321.085 người lao động, đạt tỉ lệ 100% so với số đối tượng được phê duyệt và đạt 91,05% so với số được rà soát.
trao-tien-ho-tro-dot-2-cho-16594482810661284631019-1659507447.jpeg
Ảnh minh họa

UBND tỉnh Bến Tre vừa có báo cáo tổng kết thực hiện các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 theo Nghị quyết 68/NQ-CP và Nghị quyết 126/NQ-CP của Chính phủ trên địa bàn.

Theo đó, tỉnh đã rà soát, lập danh sách đề nghị hỗ trợ cho 352.659 đối tượng người lao động và 15.949 hộ kinh doanh, doanh nghiệp với kinh phí dự kiến là 713,9 tỷ đồng. Trong đó, UBND cấp huyện phê duyệt 321.085 đối tượng người lao động và 13.198 hộ kinh doanh, doanh nghiệp, kinh phí 568,9 tỷ đồng.

Kết quả, đã chi hỗ trợ cho 321.085 người lao động, đạt tỉ lệ 100% so với số đối tượng được phê duyệt và đạt 91,05% so với số rà soát; chi hỗ trợ 13.198 hộ kinh doanh và doanh nghiệp, đạt tỉ lệ 100% so với số đối tượng được phê duyệt và đạt 82,75% so với số rà soát. Số tiền chi hỗ trợ là 568,9 tỷ đồng.

Số đối tượng lao động nhận hỗ trợ thuộc nhóm đối tượng của 12 chính sách tại Nghị quyết số 68/NQ-CP và Nghị quyết số 126/NQ-CP của Chính phủ. Tại tỉnh, có 11 chính sách đã được thực hiện gồm: Chính sách giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; chính sách tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất; chính sách hỗ trợ người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương; chính sách hỗ trợ người lao động ngừng việc; chính sách hỗ trợ người lao động chấm dứt hợp đồng lao động không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; chính sách hỗ trợ bổ sung và trẻ em; chính sách hỗ trợ tiền ăn cho người điều trị COVID-19 (F0) và người phải thực hiện cách ly y tế (F1) theo quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và trẻ em; chính sách hỗ trợ cho diễn viên, đạo diễn nghệ thuật, hoạ sĩ và hướng dẫn viên du lịch; chính sách hỗ trợ hộ kinh doanh; chính sách cho vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất kinh doanh; chính sách hỗ trợ lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do).

Riêng chính sách hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động chưa có hồ sơ phát sinh.

Chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động được ban hành trong thời gian giãn cách xã hội vào năm 2021. Trong hoàn cảnh dịch bệnh, việc thực hiện những chính sách này tại địa phương gặp không ít khó khăn.

Khó khăn gặp phải

Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bến Tre đã tiến hành giám sát đối với UBND huyện Giồng Trôm và UBND TP. Bến Tre về công tác triển khai, tuyên truyền, thực hiện nội dung Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ; Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch; Quyết định số 33/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định 23/2021/QĐ-TTg; Quyết định số 25/2021/QĐ-UBND của UBND tỉnh quy định hỗ trợ người lao động không có giao kết hợp đồng lao động gặp khó khăn do đại dịch trên địa bàn tỉnh.

Những chính sách nói trên sử dụng nguồn kinh phí của địa phương là chủ yếu. Tổng kinh phí huyện Giồng Trôm và TP. Bến Tre đã thực hiện là 157,4 tỷ đồng, gồm: Nguồn ngân sách tỉnh bổ sung, nguồn ngân sách huyện, thành phố; nguồn ngân sách xã, phường, thị trấn và nguồn vận động xã hội hóa (thành phố vận động xã hội hóa số tiền 3,281 tỷ đồng) để hỗ trợ cho 66.827 đối tượng.

Trong các chính sách đã thực hiện, chưa có tiền lệ là chính sách hỗ trợ người lao động không có giao kết hợp đồng lao động theo Quyết định số 25/QĐ-UBND của UBND tỉnh, hay còn gọi là hỗ trợ cho lao động tự do.

Huyện Giồng Trôm, TP. Bến Tre ghi nhận những khó khăn trong việc thực hiện chính sách như: Quá trình triển khai thực hiện có lúc còn trong thời gian giãn cách xã hội, một số địa phương tuyên truyền chưa sâu rộng nên một số người dân chưa nắm rõ đối tượng được hưởng, dẫn đến có khiếu nại.

Ngoài ra, việc hướng dẫn người lao động và hộ kinh doanh khai thông tin cũng gặp khó khăn. Nhiều hồ sơ của người lao động, hộ kinh doanh khai chưa đầy đủ thông tin theo yêu cầu. Cán bộ, công chức thực hiện nhiệm vụ chưa được triển khai, tập huấn các văn bản một cách cụ thể trong quá trình thực hiện nên còn lúng túng, do đây là công việc không thường xuyên và các cán bộ thực hiện nhiệm vụ phải kiêm nhiều việc.

Đáng lưu ý, qua quá trình giám sát, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cho rằng, vẫn còn nhiều lao động tự do gặp khó khăn nhưng chưa được quy định trong 10 nhóm đối tượng được hỗ trợ theo Quyết định số 25/QĐ-UBND của UBND tỉnh, dẫn đến thắc mắc, phân bì, khiếu nại.

Bên cạnh đó, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cũng ghi nhận, đến thời điểm giám sát (tháng 5/2022), còn 15.302 F1, F0 cách ly và điều trị tại nhà chưa được chi hỗ trợ do việc tập hợp các giấy tờ có liên quan chậm và nhiều thành viên Tổ giúp việc tại các xã, phường và thành phố phải cách ly y tế (do là F0, F1) trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.