Tăng cường kết nối cung - cầu lao động để sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực

Nguyễn Thị Quỳnh Mai
Ngày 14/6, tại Long An, Ban Quản lý Khu kinh tế Long An phối hợp với ManpowerGroup Vietnam tổ chức Hội thảo “Giữ chân người lao động sau đại dịch COVID-19”. Đây là dịp để các nhà quản lý doanh nghiệp, các chuyên gia làm công tác nhân sự tại doanh nghiệp có cái nhìn thực chất hơn về tình hình lao động… từ đó gợi ý các giải pháp hướng tới thu hút, giữ chân và gắn kết người lao động cho sự phát triển bền vững và lâu dài của doanh nghiệp.  

dai-dung-8-1655177596715789183318-1655195069.jpg

Người lao động cần có mức lương cạnh tranh và chăm sóc sức khỏe về tinh thần

Đại dịch COVID-19, với tiền lệ chưa từng có đã gây những xáo trộn lớn cho thị trường lao động, ảnh hưởng sâu sắc đến doanh nghiệp và người lao động cả nước.

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, cả nước vẫn còn hơn 16,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên chịu tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19. Tính đến quý I/2022, lực lượng lao động đã dần dần quay trở lại đạt hơn 51 triệu người, trong đó số lao động có việc làm đạt khoảng 50 triệu người chủ yếu ở khu vực phi chính thức. Tuy nhiên, cung lao động chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng của các doanh nghiệp trong giai đoạn phục hồi kinh tế, đặc biệt đối với lao động có trình độ chuyên môn cao.

Một số địa phương, khu vực, ngành nghề vẫn đang xảy ra tình trạng mất cân đối cung cầu, thiếu hụt cung cục bộ. Khả năng kết nối cung – cầu, giới thiệu việc làm đáp ứng yêu cầu thị trường chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu thực tế…

Hiện tại, tỉnh Long An vẫn đang thiếu hụt hàng chục ngàn lao động, các doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn trong việc tuyển dụng và giữ chân người lao động.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Phạm Anh Thắng - Phó Chánh văn phòng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, cho biết: Tác động của đại dịch COVID-19 không chỉ ảnh hưởng đến người lao động mà còn lan rộng đến cả doanh nghiệp trong khía cạnh lao động, việc làm. “Hiện, Bộ LĐ-TB-XH đã đề xuất và triển khai nhiều giải pháp để phục hồi thị trường lao động như tập trung đảm bảo an sinh xã hội cơ bản cho người lao động; cải thiện chất lượng nguồn nhân lực, đào tạo kỹ năng cho người lao động để đáp ứng chuyển đổi số; phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động, tăng cường kết nối cung - cầu lao động để sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực. Tuy nhiên, những giải pháp trên mới chỉ đáp ứng một phần yêu cầu thị trường lao động và còn rất nhiều vấn đề đặt ra”, ông Phạm Anh Thắng cho biết.

Theo khảo sát của ManpowerGroup Việt Nam thực hiện 6 tháng đầu năm 2022, doanh nghiệp tại Long An đối mặt với nhiều thách thức khác nhau trong quản trị nhân sự. Gần 40% nhà tuyển dụng cho biết họ không thể tuyển dụng đủ số lượng lao động như mong muốn, 31% chia sẻ mức lương và phúc lợi họ mang đến cho người lao động chưa đủ cạnh tranh và khoảng 1/3 doanh nghiệp (32%) thừa nhận tỉ lệ nghỉ việc ở doanh nghiệp rất cao.

Để giữ chân người lao động sau đại dịch, bà Đặng Thị Hải Hà, Nhà sáng lập Respect Việt Nam & Weatwork.co, cho rằng, phúc lợi cho người lao động không chỉ là tài chính (tiền) mà còn phi tài chính. Người lao động muốn trả lương cạnh tranh hơn, thời gian linh hoạt hơn, thời gian dành cho gia đình nhiều hơn. Do vậy, doanh nghiệp cần gia tăng và cung cấp đa dạng các phúc lợi trong chiến lược nhân sự của mình.

Còn theo bà Nguyễn Thu Trang, Giám đốc Tuyển dụng Cấp cao và Tư vấn nhân sự ManPowerGroup Việt Nam, để thu hút người lao động doanh nghiệp cần phải có lương thưởng cạnh tranh dựa trên hiệu suất lao động. Đây là điều cơ bản giúp người lao động yên tâm làm việc. Bên cạnh đó, người lao động cũng cần chăm sóc về sức khỏe tinh thần như môi trường làm việc thân thiện, sáng tạo, khuyến khích người lao động phát huy tối đa tiềm năng bản thân, tự hào khi được sát cánh với những người lãnh đạo tận tâm, tự tin đồng hành cùng tổ chức lâu dài. Người lao động cũng cần chăm lo về thể chất như khuyến khích họ tăng cường hoạt động thể chất, thể dục thể thao ngay chính tại nơi làm việc.

Ông Mai Văn Nhiều - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Long An, cho biết: Về phía địa phương, chính quyền luôn đảm bảo những chính sách tốt nhất cho công nhân, đảm bảo những quyền lợi chính đáng, môi trường xã hội, cơ sở vật chất cho người lao động, đảm bảo các hoạt động nhu cầu giải trí phù hợp với mức thu nhập của công nhân, người lao động.

Theo báo cáo lao động việc làm của Tổng cục Thống kê, trong năm 2022, nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp gần 1,3 triệu lao động, tăng 18% so với năm 2021 chủ yếu là lao động phổ thông. Số lao động thất nghiệp, thiếu việc làm giảm dần. Trong quý I/2022, số lao động thất nghiệp trong độ tuổi lao động khoảng 1,1 triệu người, giảm hơn 2,4 % so với quý 4-2021. Thu nhập đầu người lao động tăng dần, tăng 6,4% trong quý 1-2022, tăng 2% so với cùng kỳ năm trước.

Mai Anh