Theo thông tin từ bác sỹ Nguyễn Minh Tiến, bé trai 7 tháng tuổi (Đồng Tháp) bị bệnh trong 3 ngày, sốt nhẹ, đi tiêu phân lỏng nhiều lần, co giật toàn thân. Gia đình đưa em đến một phòng khám đa khoa tư nhân tại địa phương. Trẻ được xử trí thở oxy, chống co giật rồi chuyển lên TP.HCM. Trên đường chuyển viện, trẻ co giật liên tục khoảng 30 phút.
Tại Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM), trẻ đã tím môi, sốc, xét nghiệm sốt xuất huyết dương tính. Bệnh nhi được hỗ trợ hô hấp, chống sốc theo phác đồ.
Tuy nhiên, tình trạng ngày càng nặng hơn, trẻ sốc kéo dài kèm theo tổn thương gan, rối loạn đông máu, xuất huyết tiêu hóa, tràn dịch màng phổi màng bụng gây suy hô hấp nặng. Bệnh nhi được truyền máu, các chế phẩm máu.
Tình trạng hô hấp tiếp tục diễn tiến xấu. Kết quả X-quang phổi cho thấy trẻ có tổn thương phổi nặng lan tỏa 2 bên, biểu hiện hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển nặng nên được hội chẩn toàn bệnh viện.
Các bác sĩ đưa ra quyết định thực hiện kỹ thuật oxy hóa máu qua màng ngoài cơ thể (ECMO), kết hợp điều trị hỗ trợ gan. Sau 2 tuần, bệnh nhi cải thiện dần và được cai ECMO, cai máy thở.
Theo bác sĩ Tiến, trải qua 49 ngày điều trị liên tục, trẻ ổn định và được xuất viện. Quá trình tái khám ghi nhận trẻ phục hồi tốt.
Trước đó, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố cũng đã cứu sống bệnh nhi 13 tuổi, béo phì bị sốc sốt xuất huyết nặng, biến chứng suy hô hấp kèm xuất huyết tiêu hóa nặng.
Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho biết, tuần qua TP ghi nhận 1.169 ca bệnh sốt xuất huyết, giảm 24,8% so với trung bình 4 tuần trước, số ca nội trú giảm 26,4% và ngoại trú giảm 23,1%.
Tình hình bệnh sốt xuất huyết của TP.HCM hiện có xu hướng giảm. Tuy nhiên, ngành y tế cảnh báo người dân vẫn cần cảnh giác cao với bệnh, tiếp tục thực hiện các biện pháp triệt nơi sinh sản của muỗi hàng tuần tại nơi làm việc và nơi cư trú.
Hạnh (T/h)