Trong khi dư luận chưa kịp lắng xuống với việc có cần thiết “nhồi nhét” kiến thức tích phân, vi phân với học sinh phổ thông hay không, thông tin học sinh lớp 2 có thể sẽ phải học cả nội dung xác xuất thống kê đã tiếp tục “làm nóng” dư luận.
Cần thiết đưa thêm nội dung trên vào dạy học hay không? Đó là câu hỏi nhiều phụ huynh, giáo viên và cả học sinh đều muốn làm rõ.
Vẫn kiểu nhồi nhét
Nhìn lại quá trình cải cách của chương trình giáo dục phổ thông tính từ năm 2000 tới nay, nhiều chuyên gia giáo dục nhận định chương trình cũ đã thể hiện những thiếu sót, sai lầm cơ bản do sự vội vàng, dẫn tới hệ lụy liên tục phải giảm tải một cách thiếu nhất quán.
Ở chương trình giáo dục phổ thông mới, kỳ vọng đặt ra khá lớn, trong khi nội dung chính thức chưa được công bố thì các ý kiến đóng góp thực sự rất đáng quan tâm.
Không chỉ ý kiến từ các chuyên gia, nhiều giáo viên trực tiếp đứng lớp cũng cho rằng, có những kiến thức ở bậc phổ thông chưa cần trang bị vì thiếu tính ứng dụng thực tế đời sống. Ví dụ được chỉ ra trong môn Toán, nội dung tích phân và lượng giác được nhiều giáo viên cho rằng, không cần thiết bởi chỉ khi nào vào chuyên ngành ở các bậc học cao hơn mới cần thiết.
Chia sẻ với báo chí, thầy Nguyễn Xuân Khang - Hiệu trưởng trường Marie Curie (Hà Nội) - nhận định: “Kỳ thực đến giờ, tôi vẫn không hiểu nhồi nhét học sinh phổ thông học vi phân, tích phân để làm gì?”.
Học Toán để làm gì - câu hỏi không nhiều người trưởng thành có thể trả lời một cách chính xác bởi vào thời điểm hiện tại công việc của họ không liên quan chút nào tới toán học, ngoài những phép cộng, trừ, nhân, chia cơ bản.
Không thể áp dụng kiến thức toán học vào cuộc sống, đó là một thực tế với rất nhiều người. Từ đó nảy sinh tâm lý cho rằng những kiến thức đang được đào tạo là không cần thiết.
Nhà giáo ưu tú Nguyễn Văn Ngọc - nguyên giáo viên dạy môn Toán trường THPT Thăng Long (Hà Nội) - cho rằng: “Xã hội cần phải có những bậc thầy để sáng tạo ra những công cụ. Ai cũng dùng máy tính thì ai là người sáng tạo ra máy tính?”.
Học để đối phó hay phải tạo động lực
Trao đổi với báo Lao Động, TS chuyên ngành Phương pháp giảng dạy Toán - thầy giáo Lê Thống Nhất - cho rằng việc đưa vào chương trình giáo dục phổ thông những nội dung như tích phân, vi phân, thậm chí là xác suất thống kê ở ngay lớp 2 không phải là không hợp lý. Vấn đề là tiếp cận như thế nào, mức độ đến đâu, nội dung như thế nào và người dạy ra sao.
Ông Nhất cho rằng trong thực tế, rất nhiều hình khối không có công thức để tính diện tích hay thể tích, việc áp dụng tích phân sẽ giải quyết được vấn đề. Nhiều ý kiến phản đối cho rằng học những kiến thức như tích phân, vi phân… là không cần thiết. Nhưng việc học để sử dụng chỉ là 1 trong 4 mục tiêu học tập. Nếu học để dùng thì Toán học không cần thiết ở mức độ cao hơn cộng, trừ, nhân, chia. Các định nghĩa toán học, giải phương trình, công thức Pitago… càng không cần thiết.
“Cũng như vừa rồi có ý kiến ngay từ lớp 2 đã phải học xác suất, tôi cho rằng chưa chính xác. Mở đầu của xác suất là thống kê, việc này học sinh lớp 2 hoàn toàn làm được với những kiến thức rất đơn giản.
Ví dụ như thống kê trong nhà có bao nhiêu xe đạp, xe máy, hoặc phân loại đồ dùng học tập có bao nhiêu quyển vở, bao nhiêu quyển sách, bao nhiêu bút màu của anh, của em… lập một bảng biểu thì đó là thống kê.
Bởi vậy, phải nói lại cái tên của môn học không quan trọng, quan trọng là yêu cầu học sinh cần đạt được sau khi học mới đánh giá là chương trình nặng hay nhẹ”, ông Nhất nói.
Mức độ đơn giản là đủ
Thầy giáo Nguyễn Đức Thắng - Tổ trưởng Tổ Toán Trường THCS - THPT Ban Mai (Hà Nội) - cho rằng: Riêng nội dung chương trình tích phân hiện tại, vì đưa từ đại học xuống nên nhiều chủ đề kiến thức hơi nặng. Bộ GD&ĐT cũng đã phải giảm tải.
"Cá nhân tôi nghiên cứu, chương trình giáo dục phổ thông ở nước ngoài người ta dạy chỉ đủ để nhận biết, còn chuyên sâu hơn thì do định hướng nghề nghiệp của mỗi cá nhân.
Tôi cho rằng vẫn nên có phần tích phân trong chương trình, nhưng cần làm giảm nhẹ hơn. Cụ thể, phần ứng dụng tích phân trong cuộc sống chỉ cần giới thiệu qua; phương pháp tính tích phân cũng chỉ cần đưa ra những phương pháp tính cơ bản, rất đơn giản là đủ", thầy Thắng nói.