Đối tượng lấy ý kiến bao gồm: Các tầng lớp nhân dân trong nước và người Việt Nam định cư ở nước ngoài; các cơ quan nhà nước ở Trung ương và địa phương; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các tổ chức chính trị -xã hội thành viên của Mặt trận, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội; doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh và các tổ chức kinh tế khác; các viện nghiên cứu, trường đại học và chuyên gia, nhà khoa học.
Nội dung lấy ý kiến bao gồm toàn bộ dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và các nội dung trọng tâm do Chính phủ xác định phù hợp với từng nhóm đối tượng lấy ý kiến.
Việc góp ý có thể được thực hiện dưới các hình thức góp ý trực tiếp bằng văn bản hoặc tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm. Ý kiến có thể gửi qua Cổng thông tin điện tử của Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, các phương tiện thông tin đại chúng, các hình thức ứng dụng công nghệ thông tin hoặc các hình thức phù hợp khác.
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) hiện đã được đăng trên Cổng thông tin điện tử của Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường... để cử tri, nhân dân theo dõi, góp ý.
Luật Đất đai là một đạo luật khó, phức tạp, tác động tới hầu hết các ngành, lĩnh vực, chủ thể trong xã hội. Do đó, việc giám sát quá trình lấy ý kiến cũng được đặc biệt coi trọng, để việc lấy ý kiến được thực hiện nghiêm túc, tránh hình thức.
Sau thời gian lấy ý kiến nhân dân, Chính phủ sẽ tiếp thu, chỉnh lý hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV (tháng 5-2023).
Theo Quân đội nhân dân