Bát cơm trộn nước sôi và ước mơ “gieo” chữ trên đại ngàn

Đặng Thu Hằng
Bó Lầm không chỉ thiếu nước sinh hoạt mà còn thiếu cả tình cảm gia đình khi những đứa trẻ mới 2-3 tuổi đã phải xa bố mẹ cả tháng trời, khiến con đường đến trường của các em cứ mịt mù như sương sớm trên cao nguyên Nà Khương.

Bát cơm trộn nước sôi

Căn nhà tuềnh toàng chừng 20 mét vuông nằm trên một mỏm đất gần lối lên điểm trường mầm non Bó Lầm, xã Nà Khương, huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang là nơi ở của Vừ Chấn Bình cùng 4 đứa cháu. Bình năm nay 17 tuổi nhưng đã phải nghỉ học từ lâu để ở nhà trông 4 đứa cháu cho anh chị. Anh chị của Bình vì quá khó khăn nên đã phải chia nhau đi làm thuê xa nhà kiếm tiền nuôi con ăn học, nhiều khi cả năm mới về nhà một, hai lần.

Cháu của Bình lớn nhất 5 tuổi, cháu thứ hai 3 tuổi, hai cháu còn lại mới hơn 1 tuổi, cả năm nay, một tay Bình chăm lo từ miếng ăn đến giấc ngủ. Khi chúng tôi đến nhà, Bình đang thay áo cho cháu lớn kịp đến lớp. Cháu thứ hai trong lúc chờ, đã tự bưng bát cơm nguội tới chỗ đặt bếp kiềng, đổ nước sôi từ trong ấm ra, pha với cơm ăn cùng. Với gia đình Bình, bát cơm pha nước sôi đã là phải chắt chiu lắm mới có mà ăn.

anh-1-1-1714021037.JPG
Bữa sáng cơm trộn nước sôi trong góc bếp nghèo nàn.

Bát cơm vừa hết, cũng là lúc cô Vũ Thị Hiệp từ điểm trường mầm non Bó Lầm đi xuống, hỗ trợ Bình đưa các cháu đến lớp.

“Hai đứa bé chưa đủ tuổi đi học nhưng nhìn hoàn cảnh gia đình, chúng tôi vẫn nhận và hàng ngày xuống hỗ trợ Bình đưa các con đi học. Những đứa trẻ cũng như con mình, thấy các con khổ, chúng tôi không cầm lòng được. Các cháu đến trường còn có miếng cá khô, bát canh được các cô chia cho để ăn cùng. Chứ ở nhà như thế, suốt ngày ăn cơm trộn nước sôi” – Cô Hiệp nói và nước mắt trào ra.

anh-2-1714021037.png
Cô giáo Hiệp đến đón các con đi học

Điểm trường Bó Lầm có hơn 30 học sinh, ngoài lớp học lắp ghép chật chội, nóng bức, thiếu chỗ ăn, chỗ ngủ thì nan giải nhất là thiếu nước sinh hoạt. Trên vùng núi cao không có giếng khoan, hệ thống cấp nước lên điểm trường chưa có, các cô phải dùng xô, chậu hứng nước mưa dùng dần, nhưng vào mùa khô không có mưa thì chỉ còn cách xách từng can nước đến trường. Việc sinh hoạt và học tập của cô trò vì thế thêm bội phần vất vả.

“Mỗi lần mang nước đến trường thì cũng chỉ được 20 lít, đủ để nấu ăn trưa cho cô và một số trò ở lại điểm trường. Cũng vì thiếu nước, món ăn chủ yếu là đồ khô. Muốn có canh rau, các cô phải chuẩn bị sẵn ở nhà” – Cô Hiệp chia sẻ, bày tỏ sự lo lắng khi năm học tới, điểm trường sẽ đón thêm 15 em học sinh đến tuổi đi học, khó khăn sẽ lại chồng khó khăn.

Đi 11 cây số để lấy cơm

Cách Bó Lầm chừng 30km, điểm trường mầm non Thôn Hạ, xã Bằng Lang, huyện Quang Bình dù không phải đối mặt với việc thiếu nước sinh hoạt, song áp lực về số trẻ đến lớp trong điều kiện lớp học thiếu diện tích cũng là nỗi lo thường trực của cô Nông Thị Mến – Hiệu trưởng nhà trường.

“Hiện điểm trường đã phải cho các con trong độ tuổi 18-24 tháng học ghép với các con trong độ tuổi từ 24-36 tháng. Trong khi các em lớp 3 tuổi với gần 30 học sinh cũng chỉ học trong một phòng học vỏn vẹn 20 mét vuông. Điểm trường vốn xây có 2 lớp, chúng tôi đã ngăn đôi thành 4, thế mà nhiều giờ sinh hoạt, vẫn phải nhường nhau để lớp học trước, lớp học sau mới đủ” – Cô Mến nhấn mạnh thêm.

anh-3-1714021038.png
Phòng học 20m2 với gần 30 em nhỏ

Không chỉ có vậy, 109 em bé học tại Thôn Hạ còn không có cả nhà vệ sinh và bếp ăn nên cũng không thể ở lại bán trú. Các cô giáo phải vận động các gia đình gần điểm trường đón các con vào buổi trưa, chỉ có 36 em bé vì nhà xa nên mới ở lại điểm trường.
Nhưng ở lại cũng không thể tổ chức nấu ăn được, buộc cô Trần Thị Huế các cô tại điểm trường, hàng ngay lại thay nhau về điểm trường chính cách đó 11km để lấy cơm. Trưa hôm ấy trời mưa, cô Huế chằng sau xe 2 thùng nhựa, vừa giữ phanh, vừa thả xuống dốc ngoài cổng trường một cách chậm rãi.

anh-4-1-1714021175.png
Điểm trường không có bếp nên cô giáo ngày ngày phải đi xa 11km lấy cơm trưa cho các con

“Hôm nay mưa không thể đi nhanh, nên phải đi lấy cơm sớm hơn mọi ngày. Canh hôm nay cũng nhiều, sóng cả ra lưng, may không bỏng” – Cô Huế cười tươi nói với chúng tôi khi trở lại điểm trường với hai thùng cơm, canh.

Chung một ước mơ

Cả điểm trường Bó Lầm và Thôn Hạ đều mong mỏi đến ngày có được những căn phòng học mới rộng rãi, khang trang cùng khu bếp ăn, đảm bảo điều kiện sinh hoạt, học tập cho đám trẻ ngày càng đông lên. Niềm mơ ước ấy đã được chính người dân địa phương chia sẻ bằng hành động sẵn sàng hiến đất khi điểm trường mở rộng.

Chung tay gánh vác cùng với thầy cô và người dân, VPBank cùng Mastercard cũng đã có mặt ở cả hai điểm trường này, góp một phần nguồn lực để biến những mong mỏi của cô trò Bó Lầm lẫn Thôn Hạ thành hiện thực.

“Trước khi tới Bó Lầm, chúng tôi đã tự tay đi lấy nước để thấu hiểu hơn sự khó khăn vất vả của cô trò nơi đây. Nhưng can nước dù sao chỉ là giải pháp tạm thời. Điều chúng tôi muốn hướng đến là sự bền vững. Chính vì vậy, chúng tôi quyết định tài trợ điểm trường Bó Lầm 520 triệu đồng để người dân và thầy cô có thể xây được một điểm trường mới có thêm lớp học, bếp ăn và một hệ thống bể chứa nước an toàn để phục vụ sinh hoạt và bữa ăn cho các bé…” – Anh Bùi Đức Mạnh, đại diện VPBank chia sẻ.

anh-5-1714021038.png
Đại diện VPBank và Mastercard mang nước và một món quà đặc biệt đến cho điểm trường

Trong khi đó tại điểm trường Thôn Hạ, đại diện VPBank và Mastercard cũng đã trao số tiền 430 triệu đồng để xây dựng phòng học mới giảm tải cho điểm trường và một bếp ăn để các cô không còn phải đi xa lấy cơm mỗi ngày, còn tất cả các con đều có thể ở lại ăn bán trú.

anh-6-1714021038.JPG
Hơn 50 điểm trường khó khăn trên cả nước đã được xây mới và sang sửa.

Bó Lầm và Thôn Hạ cũng là những điểm trường tiếp nối chuỗi hành trình “Cặp lá yêu thương – Em vui đến trường” của VPBank cùng VTV thực hiện trong 2 năm qua. Với hơn 50 điểm trường khó khăn trên khắp cả nước được xây mới và sửa sang, những đóng góp của VPBank đồng hành cùng cộng đồng và xã hội đã lên tới con số hơn 1700 tỷ đồng, góp phần hiện thực hóa sứ mệnh “Vì một Việt Nam thịnh vượng”.

Từ nay cho tới hết 30/6/2024, VPBank triển khai chương trình thiện nguyện “Giao dịch VPBank – Ươm mầm thịnh vượng” nhằm chung tay cùng chương trình Cặp lá yêu thương – Em vui đến trường, giúp các em nhỏ vùng cao có thêm cơ hội tới trường.
Theo đó, với mỗi sổ tiết kiệm gửi mới từ 300 triệu đồng hoặc giao dịch thực hiện trên VPBank NEO (thỏa mãn điều kiện chương trình) của khách hàng, VPBank sẽ trích ra số tiền tương ứng từ 100 đồng đến 50.000 đồng để đóng góp vào Quỹ Tấm Lòng Việt. Tổng số tiền VPBank đóng góp dự kiến cho Quỹ lên tới 1,8 tỷ đồng.

PV