Bất bình đẳng trong tiếp cận vaccine phòng bệnh đậu mùa khỉ tại châu Âu

Lã Thị Thúy Hằng
​Hàng trăm người châu Âu đã vượt qua biên giới để tiêm vaccine phòng bệnh đậu mùa khỉ, làm dấy lên những lời kêu gọi giải quyết tình trạng bất bình đẳng về tiếp cận vaccine phòng bệnh này giữa các nước.
Chú thích ảnh Nhân viên y tế chuẩn bị mũi tiêm vaccine phòng đậu mùa khỉ tại điểm tiêm chủng ở Paris, Pháp, ngày 27/7/2022. Ảnh: AFP/TTXVN

Bệnh đậu mùa khỉ bắt đầu bùng phát tại châu Âu hồi tháng 5 vừa qua khi virus gây bệnh bắt đầu lây lan nhanh chóng ra bên ngoài các khu vực ở châu Phi - nơi coi đậu mùa khỉ là bệnh đặc hữu. Virus đậu mùa khỉ hiếm khi gây tử vong nhưng có thể gây ra những tổn thương nghiêm trọng, nhất là đối với nhóm người đồng tính nam và khiến nhiều người gấp rút tìm cách tiêm phòng.

Một số nước đã nhanh chóng triển khai tiêm vaccine Imvanex phòng bệnh đậu mùa khỉ trên quy mô lớn. Đây là vaccine phòng bệnh đậu mùa của hãng Bavarian Nordic (Đan Mạch) duy nhất được cấp phép phòng chống bệnh đậu mùa khỉ. Chẳng hạn, Bỉ chỉ có 3.000 liều dành cho người thuộc nhóm LGBT làm việc trong ngành công nghiệp tình dục, những nam giới có quan hệ đồng tính với người nhiễm HIV hoặc các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục. Trong khi đó, nước láng giềng Pháp lại có số lượng vaccine lớn hơn nhiều, với khoảng hơn 53.000 liều đã được sử dụng.

Do vậy, trong mùa hè này, nhiều người Bỉ đã vượt biên giới sang Pháp để tìm cơ hội tiêm vaccine. Dược sĩ Virginie Ceyssac làm việc tại hiệu thuốc Aprium ở thành phố Lille, miền Bắc nước Pháp, cho biết người Bỉ chiếm 30 - 40% những người đến tiêm vaccine phòng bệnh đậu mùa khỉ tại hiệu thuốc của cô.

Samy Soussi - thành viên của hiệp hội HIV ExAequo có trụ sở tại Brussels, cho biết: “Nhờ thông tin truyền miệng, chúng tôi biết việc người Bỉ có thể được tiêm phòng ở Pháp". ExAequo thậm chí còn liên hệ với trung tâm tiêm chủng tại Lille để giúp những người Bỉ được tiêm vaccine vào ngày 6/8.

Theo thông tin tòa thị chính thành phố Lille, khoảng 90% những người được tiêm chủng trong ngày 6/8 đến từ Bỉ và họ được tiếp đón rất chu đáo.

Trong khi đó, cơ quan y tế vùng Hauts-de-France cho biết, các trung tâm tiêm chủng trong vùng được chỉ đạo việc "đáp ứng nhu cầu tiêm chủng của công dân Bỉ, miễn là không ảnh hưởng đến việc tiếp cận vaccine của công dân Pháp".

Tại thủ đô Paris, việc tiêm chủng cũng được phép thực hiện đối với những người từ nước khác tới Pháp. Một trung tâm y tế tại Paris cho biết du khách nước ngoài đã tận dụng chuyến du lịch tới Pháp để tiêm vaccine phòng bệnh đậu mùa khỉ.

Tuy nhiên, theo các tổ chức phòng chống HIV/AIDs địa phương ở vùng biên giới phía Nam nước Pháp, người Italy và Tây Ban Nha chiếm số ít trong những người đi tiêm chủng tại vùng này.

Một nước khác ở châu Âu là Thụy Sĩ đến nay vẫn chưa có vaccine và chính phủ phải gánh chịu những lời chỉ trích ngày càng gay gắt bất chấp việc nước này ngày 24/8 thông báo sẽ mua 100.000 liều vaccine.

Theo ông Alexandra Calmy - người đứng đầu khoa chống HIV/AIDs của Bệnh viện Đại học Geneva, do không có vaccine, một số công dân Thụy Sĩ đã đến Pháp để tiêm chủng mà không gặp phải khó khăn gì, song cũng có một số người khác bị từ chối. Trung tâm tiêm chủng tại thị trấn Chambery, tỉnh Savoie của Pháp đã bị "quá tải với các cuộc gọi từ người Thụy Sĩ" và do vậy phải từ chối tiêm chủng cho người Thụy Sĩ do thiếu nguồn lực.

Anh Sergio, 41 tuổi, sinh sống ở Geneva sau khi bị từ chối ở Pháp đã thử liên hệ tới Bồ Đào Nha, Mỹ trước khi nhận được một cuộc hẹn tiêm vaccine đậu mùa khỉ ở London (Anh). Sergio cho biết: “Tôi đã trả gần 600 euro (598 USD) cho chuyến bay vào phút cuối từ Geneva đến London. Nó tốn kém và không công bằng vì không phải ai cũng có thể làm được điều này... nhưng ai cũng sợ bệnh đậu mùa khỉ”.

Tình trạng bất bình đẳng trong tiếp cận vaccine phòng bệnh đậu mùa khỉ đã khiến nhiều tổ chức và chuyên gia y tế trên khắp châu Âu ra lời kêu gọi các thỏa thuận ngoại giao mới để chia sẻ vaccine với các quốc gia có nhu cầu.

Ông Toni Poveda - Giám đốc của tổ chức HIV CESIDA ở Tây Ban Nha nhấn mạnh: "Thật bất hợp lý khi các nước như Pháp, Đức và Hà Lan có một số lượng lớn vaccine trong khi Tây Ban Nha - một trong những nước bị ảnh hưởng nặng nhất thế giới bởi bệnh đậu mùa khỉ mới chỉ có 17.000 liều”. Trong khi đó, giới chức y tế Pháp cho biết đang liên hệ với giới chức y tế Bỉ và Thụy Sĩ để thảo luận về việc tiêm phòng bệnh đậu mùa khỉ xuyên biên giới cũng như các trách nhiệm tài chính liên quan.