Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia cho biết, chiều 18/10, bão số 6 (bão NESAT) đã giảm cường độ xuống còn cấp 12, giật cấp 14. Đến 04 giờ ngày 19/10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 17,4 độ Vĩ Bắc; 111,4 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Bắc Tây Bắc quần đảo Hoàng Sa. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10-11 (89-117km/giờ), giật cấp 13, di chuyển theo hướng Tây Tây Nam với tốc độ 10-15km/h.
Vị trí tâm bão cách Quảng Bình - Thừa Thiên Huế khoảng 120 km và do tương tác với không khí lạnh mạnh nên sức gió giảm còn 74 km/h, cấp 8, giật tăng hai cấp.
Dự báo trong 24 đến 48h tới, bão tiếp tục có xu thế giảm cường độ, di chuyển ổn định theo hướng Tây Tây Nam với tốc độ 10-15km/h. Đến 4h ngày 20/10, tâm bão ở trên vùng biển Quảng Bình - Thừa Thiên Huế. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 10. Khoảng 4h ngày 21/10, bão đã suy yếu, cường độ chỉ còn dưới cấp 6, đi vào đất liền các tỉnh Thanh Hóa-Quảng Bình.
Do ảnh hưởng của bão số 6, vùng biển phía Tây khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có mưa bão, gió mạnh cấp 8-9, vùng gần tâm bão mạnh cấp 10-11, giật cấp 13, biển động dữ dội, sóng biển cao 4-6m, vùng gần tâm bão sóng cao 6-8m.
Ở vùng biển phía Tây Bắc khu vực giữa Biển Đông có mưa rào và dông mạnh, gió mạnh dần lên cấp 6-7, giật cấp 8-9, biển động mạnh, sóng biển cao 4-6m.
Khu vực vịnh Bắc Bộ, vùng biển từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi sóng biển cao 3-5m.
Trong hơn 20 ngày qua, Biển Đông đã xuất hiện ba cơn bão gồm Noru, Sơn Ca và NESAT. Gần nhất, bão Sơn Ca suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, đổ bộ Đà Nẵng - Quảng Nam rạng sáng 15/10, gây mưa từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi, trong đó tâm mưa là Đà Nẵng và Thừa Thiên Huế. Đà Nẵng đã trải qua đợt ngập lụt chưa từng có làm 6 người chết, hạ tầng giao thông, tài sản của người dân bị mất mát, hiện chưa thể thống kê.
Dự báotừ nay đến tháng 1/2023, Biển Đông có khoảng 3-5 cơn bão và áp thấp nhiệt đới, trong đó 2-3 cơn có thể ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam, tập trung ở Trung Bộ và Nam Bộ.