Bão Noru mạnh lên 2 cấp trước khi vào biển Đông, ngư dân miền Trung dời tàu lên bờ

Đặng Thu Hằng
Noru là cơn bão mạnh, di chuyển nhanh, phạm vi ảnh hưởng rộng lớn, phức tạp hơn khi đi vào Biển Đông.

Chiều 24/9, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết những giờ qua, bão Noru hoạt động ngoài khơi Philippines đã mạnh thêm 2 cấp và đang duy trì sức gió mạnh cấp 11, giật cấp 14.

Lúc 16h, tâm bão cách đảo Luzon (Philippines) khoảng 500 km về phía đông. Ảnh mây vệ tinh cho thấy bão đã có cấu trúc và tiếp tục mạnh thêm.

Đêm nay và ngày mai, hình thái này di chuyển chủ yếu theo hướng tây với vận tốc 20 km/h. Đến 16h ngày 25/9, tâm bão nằm trên khu vực đảo Luzon với sức gió giữ ở cấp 11.

ve-tinh-bao-noru-1664034525.jpg
Hình ảnh vệ tinh của bão Noru hoạt động ở ngoài khơi Philippines chiều 24/9. Ảnh: NCHMF.

Trong khoảng tối và đêm 25/9, bão Noru sẽ đi vào Biển Đông trở thành cơn Bão số 4. Bão di chuyển nhanh, hướng vào khu vực miền Trung nước ta. Dự báo đến 19 giờ ngày 27/9, vị trí tâm bão Noru ở cách Thừa Thiên Huế - Quảng Ngãi khoảng 140km, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12-13, giật cấp 16. Các cơ quan Trung ương về phòng, chống thiên tai liên tiếp ban hành văn bản hỏa tốc chỉ đạo ứng phó.

Sau đó, bão giữ vận tốc nhưng đổi hướng, đi chếch theo tây tây bắc và vào Biển Đông. Chiều 26/9, tâm bão nằm trên vùng biển phía đông khu vực bắc Biển Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 510 km về phía đông. Sức gió mạnh nhất cấp 11-12, giật cấp 15.

Tổng cục Khí tượng Thủy văn đã tổ chức họp trực tuyến thảo luận về diễn biến cơn bão Noru và tình hình mưa lớn, lũ ở miền Trung. Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn Hoàng Đức Cường chủ trì cuộc họp. Các chuyên gia nhận định cơn bão Noru là một cơn bão mạnh với cường độ có thể đạt cấp 11-12, tốc độ di chuyển nhanh và phạm vi ảnh hưởng rộng lớn cả khu vực Trung Bộ và còn phức tạp khi đi vào Biển Đông.

bao112-16640047300451441416695-1664034525.jpeg
Tổng cục Khí tượng Thủy văn đã tổ chức họp trực tuyến thảo luận về diễn biến cơn bão gần Biển Đông Noru. (Ảnh: Báo Chính phủ)

Chuyên gia cảnh báo càng vào giữa Biển Đông, cơn bão này càng mạnh. Thời điểm bão đạt cường độ mạnh nhất là khi cách Thừa Thiên Huế - Quảng Ngãi khoảng 190 km chiều 27/9. Lúc này, sức gió có thể đạt tới cấp 12-13, giật cấp 16.

Do ảnh hưởng của bão Noru, các tỉnh miền Trung như Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh...xảy ra mưa lớn, nhiều địa phương bị ngập cục bộ.

Để chủ động ứng phó với mưa lũ, nhiều địa phương gần biển như Hà Tĩnh, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hoà đã ra công điện khẩn, chỉ đạo theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để chủ động phòng tránh.

tin-mua-lu-4-19080297-1664033261.png
Ngư dân đưa tàu thuyền vào bờ tránh bão tại cảng Cửa Sót. (Ảnh: VTC)

Đồng thời kêu gọi tàu thuyền vào bờ neo đậu, rà soát các khu vực có nguy cơ sạt lở, ngập lụt, sẵn sàng phương tiện cứu hộ, cứu nạn kịp thời. Thống kê số lượng lồng bè nuôi trồng thủy sản trên các vùng biển để triển khai các biện pháp ứng phó, sơ tán dân khi có tình huống bão, mưa lũ, ngập lụt nặng.

Nhận được thông báo, trưa ngày 24/9, khu neo đậu tránh trú bão cảng Cửa Sót (huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh) đã có 185 tàu thuyền nội tỉnh, 38 tàu thuyền ngoại tỉnh vào bờ an toàn. Ngoài ra, huyện Kỳ Anh (tỉnh Hà Tĩnh) cũng có 559/559 tàu thuyền lớn nhỏ trên địa bàn toàn huyện đã về nơi trú ẩn.

Các địa phương đều sẵn sàng triển khai công tác đảm bảo an toàn về người, tài sản trên các đảo và lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy hải sản; các tàu vận tải, hoạt động du lịch trên các đảo và ven biển; công trình đang thi công trên biển, ven biển.

T.H.