'Bao giờ bắt đầu thập niên mới' - cuộc tranh luận kinh điển mỗi 10 năm

Tạp Chí Nhân Đạo
Liệu sang năm 2020 có đúng là sang một thập niênmới không? Đây là cuộc tranh luận “10 năm có 1” và còn tùy bạn hỏi ai. Một công ty nghiên cứu đã hỏi tới 13.500 người.

Mạng xã hội vốn không bao giờ ngừng tranh luận đang sôi nổi tranh luận xem chúng ta có phải đợi một năm nữa hay không để chào đón thập niên mới.

Một khảo sát từ trang YouGov chuyên nghiên cứu thị trường, có trụ sở ở Anh, hỏi 13.500 người Mỹ khi nào thập niên mới bắt đầu. 64% trong số họ trả lời thập niên mới bắt đầu khi sang năm 2020.

17% trả lời phải sang năm 2021. 19% còn lại chần chừ, không thể quyết định.

nam-moi-2020-thap-nien-moi
Lễ hội đón năm mới 2020 ở Nepal. Ảnh: Reuters.

Lý lẽ của 17% "ủng hộ" năm 2021

Phe ủng hộ 2021 có căn cứ khá hợp lý (và quyết liệt) của họ.

Lập luận của họ dựa vào lịch sử hơn 2.000 năm của nhân loại: hệ thống tính năm “sau Công nguyên”, dùng để đếm năm theo lịch phương Tây, không có năm số 0. Vì vậy, số năm bắt đầu từ 1.

nam-moi-2020-thap-nien-moi-2
Một tweet quyết tâm tranh luận việc tính thập niên từ ngày 1/1/2021. Ảnh: Chụp màn hình.

Như vậy, thập niên đầu tiên là từ ngày 1/1, năm 1, đến ngày 31/12, năm 10. Thập niên thứ hai bắt đầu ngày 1/1 năm 11.

Vì vậy, phe ủng hộ 2021 lập luận rằng thập niên hiện tại bắt đầu từ 1/1/2011, và kết thúc ngày 31/12/2020.

“Việc coi năm 1 đến năm 10 là thập niên cảm thấy đúng hơn”, tài khoản Hans Noel viết trên Twitter, và coi đó là “tri thức” và “sự thông thái”.

Tại sao nhiều người chọn năm 2020?

Khi nói đến thập niên, nếu nói tiếng Việt, chúng ta thường nói “những năm 70, những năm 80, những năm 90”.

Nếu tiếng Anh, sẽ nói “the 1970s, the ‘80s, the ‘90s”. Chẳng hạn, một bữa tiệc ở Mỹ có chủ đề hóa trang là những năm 90 sẽ được gọi là “90s party”.

Khi nói về văn hóa, về nhạc của những năm 90, chúng ta đang nói đến những năm từ 1990 đến 1999. Theo nghĩa đó, khái niệm thập niên bắt đầu từ những năm kết thúc bằng con số 0. Đây cũng là lựa chọn của đa số người được hỏi trên YouGov.

Ở Việt Nam, chúng ta phân chia thế hệ thành thế hệ 8x, 9x. “Anh ấy, cô ấy 8x đấy” chẳng hạn, dù người đó có sinh năm 1989 hay 1980. Vô hình trung việc phân chia thập niên dựa vào chữ số liền trước chữ số cuối cùng. Nếu nhìn theo cách đó, thập niên là các năm 80-89, 90-99, 2000-2009, 2010-2019, v..v..

nam-moi-2020-thap-nien-moi-3
“Những năm 80 là thập niên, những năm 90 là thập niên, chúng ta sắp hết những năm 2010 và bắt đầu thập niên của những năm 2020”, tài khoản Marques Brownlee quả quyết. Ảnh: Chụp màn hình.

Ngoài ra, nếu tiếp tục dựa vào “số đông”, tức những gì đa số mọi người đều biết, trong văn hóa đại chúng có ngay một “phán quyết”. Đó là bài hát Happy New Year của ban nhạc huyền thoại ABBA, từng vang lên ở mọi nhà trên khắp thế giới vào thời điểm chuyển giao năm cũ - năm mới.

Bài hát được phát hành dưới dạng single vào năm 1999, khi thế giới bước sang thiên niên kỷ mới. Lời hát có đoạn:

It's the end of a decadeIn another ten years timeWho can say what we'll findWhat lies waiting down the lineIn the end of eighty-nine

(Tạm dịch: Kết thúc một thập niên, và trong 10 năm nữa,ai biết chúng ta sẽ tới đâu, điều gì đón đợi phía trước, vào cuối năm 89)

Như vậy, dường như nhiều thế hệ fan của bài hát này sẽ coi 1989 là kết thúc của thập niên.

Andrew Novick, nhà khoa học làm việc cho Viện Tiêu chuẩn và Công nghệ Quốc gia Mỹ, có cùng ý kiến trên, khi lên Twitter tham gia “cuộc tranh luận 10 năm có 1 này”.

“Bạn sẽ không gọi người sinh năm 1970 là người của ‘những năm 60’, đúng không”, ông viết.

nam-moi-2020-thap-nien-moi-4
Người dân chờ đợi sự kiện countdown (đếm ngược) ở Seoul, Hàn Quốc ngày 31/12/2019. Ảnh: Reuters.

Chuyên gia nói gì?

Nhà nghiên cứu ngôn ngữ của trang ABC Tiger Webb cho biết xu hướng số đông chọn ngày 1/1/2020 là ngày để đăng lên Facebook các ảnh so sánh mái tóc, trang phục, phong cách “xưa và nay” của mình sau 10 năm.

“Đúng là ‘thập niên’ đầu tiên là từ ngày 1/1/1 đến ngày 31/12/10 - cũng đúng thôi, nếu bạn là một spreadsheet (bảng tính Excel)”, ông nói.

“Hầu hết mọi người không như vậy, và quy tắc chung hiện nay nhắc đến thập niên là khoảng 10 năm từ ngày 1/1/1990 chẳng hạn đến 31/12/1999”.

“Có thể cơ quan chính phủ hay vệ tinh khí tượng sẽ coi thập niên này kết thúc ngày 31/12/2020 - cũng được thôi... có thể mọi người đồng loạt sai khi đang đánh dấu kết thúc thập niên lệch đi một chút”.

Như vậy, phe 2021 không phải không có lý lẽ riêng.

Nếu bạn muốn ăn mừng thập kỷ mới “ngay và luôn”, bạn cứ việc. Hoặc nếu bạn muốn đợi thêm một năm, cũng vẫn đúng.

Thời gian là khái niệm do con người đặt ra

“Có một điều không thấy tranh luận nhắc đến là mọi hệ thống lịch là khái niệm trừu tượng do con người đặt ra giữa một vũ trụ vô tận”, ông Webb nói thêm.

Con người nghĩ ra khái niệm “năm”, tính bằng khoảng thời gian Trái Đất đi hết một vòng quỹ đạo quanh Mặt Trời, để có thể ghi nhận sự kiện, hiểu được quá khứ.

Nhưng chúng ta hoàn toàn có thể đo đếm thời gian khác đi, như chúng ta đã từng làm.

Trước khi hệ thống lịch Gregorius (Dương lịch) được đưa vào sử dụng năm 1582, thế giới sử dụng lịch Julius. Nhưng theo trang TimeandDate.com, hệ thống đó không tính năm đúng bằng khoảng thời gian Trái Đất đi hết một vòng quanh Mặt trời.

Trước khi lịch Julius được sử dụng từ năm 45 trước Công nguyên, con người dùng lịch La Mã, dựa vào chu kỳ quỹ đạo mặt trăng.

Dù là dùng lịch nào, thời gian vẫn trôi. Chúc mừng năm mới 2020. Và một thập niên mới (nếu bạn muốn)! 

Theo Zing