Bảo hiểm xã hội Việt Nam vừa ban hành Công văn số 3452/BHXH-CSYT gửi Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng và Bảo hiểm xã hội Công an nhân dân (gọi chung là bảo hiểm xã hội các tỉnh) về triển khai thực hiện Nghị định số 75/2023/NĐ-CP ngày 19/10/2023 của Chính phủ (Nghị định số 75).
Để kịp thời triển khai Nghị định số 75, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đề nghị bảo hiểm xã hội các tỉnh thực hiện: Cấp thẻ, đổi thẻ bảo hiểm y tế theo quy định tại Nghị định số 75, trong đó chuyển đổi mã mức hưởng bảo hiểm y tế theo quy định tại Khoản 5, Điều 1 Nghị định số 75 (người tham gia kháng chiến và bảo vệ Tổ quốc; người phục vụ người có công với cách mạng sống ở gia đình). Đồng thời, bổ sung mã đối tượng và mã mức hưởng bảo hiểm y tế ghi trên thẻ bảo hiểm y tế đối với người tham gia bảo hiểm y tế mới được quy định tại Nghị định số 75 và Nghị định số 131/2021/NĐ-CP.
Bảo hiểm xã hội Việt Nam yêu cầu bảo hiểm xã hội các tỉnh chủ động phối hợp với đơn vị quản lý đối tượng rà soát, lập danh sách và cấp thẻ bảo hiểm y tế của các đối tượng được bổ sung tại Nghị định số 75 như sau:
Vợ hoặc chồng liệt sĩ lấy chồng hoặc vợ khác đang hưởng trợ cấp hằng tháng theo quy định tại Điểm a, Khoản 10, Điều 16 Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng;
Người dân các xã an toàn khu, vùng an toàn khu cách mạng trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ (ATK) hiện đang thường trú tại các xã an toàn khu cách mạng trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ đã được cập nhật thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú;
Người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại địa bàn các xã khu vực II, khu vực III, thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2016-2020 mà các xã này không còn trong danh sách các xã khu vực II, khu vực III, thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Trường hợp người tham gia bảo hiểm y tế đồng thời thuộc nhiều đối tượng khác nhau, bảo hiểm xã hội các tỉnh rà soát, đối chiếu dữ liệu đang quản lý với các trường hợp có tên trong hồ sơ đổi mức hưởng và danh sách đối tượng đổi thẻ mới, nếu thẻ bảo hiểm y tế cũ cấp theo đối tượng khác có mức hưởng thấp hơn so với quy định mới, thì theo mức hưởng cao nhất.
Về thủ tục khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, thực hiện theo quy định sửa đổi, bổ sung tại khoản 6 Điều 1 Nghị định số 75 như sau: Người tham gia bảo hiểm y tế khi khám, chữa bệnh phải xuất trình thẻ bảo hiểm y tế có ảnh hoặc căn cước công dân; trường hợp xuất trình thẻ bảo hiểm y tế chưa có ảnh thì phải xuất trình thêm một trong các giấy tờ tùy thân có ảnh do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp hoặc giấy xác nhận của công an cấp xã hoặc giấy tờ khác có xác nhận của cơ sở giáo dục nơi quản lý học sinh, sinh viên; các giấy tờ chứng minh nhân thân hợp pháp khác hoặc giấy tờ được định danh điện tử mức độ 2 theo quy định tại Nghị định số 59/2022/NĐ-CP ngày 5/9/2022 của Chính phủ quy định về định danh và xác thực điện tử.
Đối với các trường hợp người tham gia bảo hiểm y tế vào cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để điều trị trước ngày Nghị định này có hiệu lực nhưng ra viện từ ngày Nghị định này có hiệu lực thì được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán trong phạm vi được hưởng và mức hưởng theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế, theo quy định tại Điều 14 Nghị định số 146/2018/NĐ-CP và quy định tại khoản 5 Điều 1 Nghị định này.
Nghị định số 75 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 146/2018/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế có hiệu lực thi hành từ ngày 3/12/2023.
Theo đó, Nghị định đã tạo điều kiện thuận lợi cho công tác khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế, bảo đảm quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế.
Văn bản cũng bổ sung nhiều điểm mới quan trọng như: bổ sung một số nhóm đối tượng được ngân sách Nhà nước hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế, tăng mức hưởng bảo hiểm y tế với một số nhóm đối tượng; tăng cường vai trò, trách nhiệm của bộ, ngành, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong việc quản lý, sử dụng hiệu quả Quỹ Bảo hiểm y tế…
Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, nêu rõ, trong những năm qua, để ghi nhận công lao đóng góp và tri ân đồng bào các dân tộc tại các xã ATK cách mạng, Nhà nước đã có nhiều chính sách quan tâm đầu tư, hỗ trợ, trong đó có chính sách hỗ trợ thẻ bảo hiểm y tế.
Tại Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 24/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ xã ATK, vùng ATK cách mạng trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Y tế xây dựng chính sách hỗ trợ thẻ bảo hiểm y tế cho người dân trong các xã ATK cách mạng, trừ các đối tượng đã được hưởng chính sách bảo hiểm y tế theo quy định hiện hành.
Chính sách hỗ trợ về thẻ bảo hiểm y tế sẽ được áp dụng từ năm 2021, nhưng do Bộ Y tế chưa kịp thời trình ban hành quy định cụ thể nên chính sách này chưa được triển khai thống nhất trên toàn quốc.
Trên thực tế, tùy điều kiện mà một số địa phương đã bố trí ngân sách và huy động mọi nguồn lực để hỗ trợ cho người tham gia bảo hiểm y tế, trong đó có người dân sinh sống trên địa bàn các xã ATK, với mức từ 10-30%. Có địa phương không thực hiện hỗ trợ.
Đến năm 2023, vẫn còn gần 720 nghìn người dân trên địa bàn xã ATK cách mạng thuộc 25 địa phương chưa được hưởng chính sách hỗ trợ thẻ bảo hiểm y tế.
Như vậy, trong 3 năm (2021, 2022, 2023), một bộ phận người dân ở các xã ATK cách mạng vẫn chưa được hưởng chính sách hỗ trợ chung của Nhà nước về thẻ bảo hiểm y tế.