Bảo đảm an toàn PCCC đối với các cơ sở giáo dục, trường học

Đặng Thu Hằng
Công an thành phố Hà Nội cho biết, ngày mai (5-9), cùng với học sinh cả nước, học sinh Thủ đô bước vào năm học mới. Trong niềm vui chung ngày khai trường, ngày hội “Toàn dân đưa trẻ đến trường”, không thể lơ là những nguy cơ gây cháy, nổ trong trường học là nơi tập trung đông người.

373440984_618381783744192_6747385145442283727_n.jpegTrang bị kỹ năng thoát hiểm cho học sinh quận Đống Đa.

Để đảm bảo an toàn, công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) phải được coi trọng, cụ thể: Thực hiện đầy đủ thẩm duyệt thiết kế PCCC, kiểm tra trong quá trình thi công tác hạng mục PCCC, nghiệm thu, đến quá trình sử dụng; trang bị đầy đủ các phương tiện chữa cháy ban đầu như bình khí CO2, bình bột chữa cháy để đảm bảo về chất lượng và số lượng, luôn trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu.

Trường học phải có nội quy PCCC, phương án chữa cháy, phương án thoát nạn cho trẻ em và học sinh khi có cháy xảy ra. Phương án phải được tổ chức học tập, diễn tập, tổ chức rút kinh nghiệm...

Nghiêm cấm sử dụng điện tùy tiện. Các em học sinh không được nghịch lửa, diêm, các thiết bị sinh lửa, sinh nhiệt trong trường. Yêu cầu đối tượng sử dụng phải kiểm tra ngắt hết điện trước khi đóng cửa. Lực lượng bảo vệ nhà trường có trách nhiệm kiểm tra lại.

8.pngHướng dẫn PCCC cho cô trò quận Thanh Xuân.

Về quy định an toàn PCCC đối với khu vực hội trường, phòng họp: Hệ thống điện trong khu vực hội trường, phòng học, giảng đường phải được tính toán lắp đặt hợp lý, có các thiết bị bảo vệ. Cần lưu ý tính toán đến việc sử dụng thiết bị điện của học sinh, sinh viên như máy tính, điện thoại bởi tập hợp những phụ tải này không phải là nhỏ, có thể gây hiện tượng quá tải.

Trong mỗi hội trường, phòng họp, phòng học phải có nội quy PCCC và nội quy này phải được quá triệt tới các đối tượng sử dụng; yêu cầu đối tượng sử dụng phải kiểm tra ngắt hết điện trước khi đóng cửa. Lực lượng bảo vệ nhà trường có trách nhiệm kiểm tra lại; trang bị các bình khí CO2, bình bột chữa cháy tại khu vực sân khấu, hội trường, giảng đường, phòng học, khu vực có các bảng phân phối điện, có hệ chữa cháy vách tường, hệ thống màng ngăn cháy.

Đối với phòng máy vi tính: Tại các phòng máy tính phải có nội quy quy định việc sử dụng máy tính trong học tập, nghiên cứu; có chế độ kiểm tra định kỳ phát hiện những khuyết tật có thể dẫn đến sự cố phát sinh nguồn nhiệt gây cháy của hệ thống thiết bị máy tính và hệ thống thiết bị điện. Khi lắp đặt thêm các thiết bị điện như máy tính, điều hòa, máy hút ẩm… phải tính toán đến khả năng chịu tải của dây dẫn; cần trang bị các loại bình khí CO2 và bột chữa cháy; lắp đặt hệ thống báo cháy, chữa cháy tự động cho phòng máy tính.

Đối với thư viện, nơi có nhiều văn bản quy định về công tác PCCC: Tài liệu trong thư viện phải được sắp xếp lên giá, kệ. Các giá sách phải sắp xếp cách xa các bóng điện ít nhất là 0,6m; nghiêm cấm việc đun nấu, thắp hương thờ cúng, hút thuốc hoặc sử dụng ngọn lửa trần trong thư viện; hệ thống điện trong thư viện phải an toàn...

Còn đối với khu vực bếp ăn, khu vực để bình chứa khí dầu mỏ hóa lỏng phải thông thoáng, cao hơn khu vực xung quanh, có tường bảo vệ. Thường xuyên kiểm tra khả năng chịu áp, hệ thống van khóa của đường ống cấp khí; hệ thống điện chiếu sáng và sử dụng đun nấu phải được tính toán, có thiết bị bảo vệ trên mỗi hệ thống. Cần trang bị các loại bình khí CO2 và bột chữa cháy phù hợp cho từng khu vực trong bếp ăn, căng tin. Người làm việc ở khu vực bếp ăn phải có kiến thức PCCC, sử dụng thành thạo các phương tiện PCCC.