Đây là một trong những điểm mới của dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh ĐH; CĐ nhóm ngành đào tạo giáo viên hệ chính quy năm 2018 mà Bộ GD&ĐT vừa công bố để xin ý kiến dư luận.
Theo đó, học sinh có học lực loại giỏi mới được xét tuyển vào trường đại học sư phạm; đối với các ngành khác, các trường tự xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào.
Theo các chuyên gia giáo dục, việc siết điều kiện đảm bảo chất lượng đầu vào để nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên tương lai là hết sức cần thiết, song điều này cũng sẽ rất khó khả thi nếu như chế độ đãi ngộ và bài toán đầu ra đối với sinh viên sư phạm vẫn còn bỏ ngỏ.
TS. Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD&ĐT bày tỏ quan điểm: Bộ GD&ĐT cần tính toán kỹ nguồn đầu vào của ngành sư phạm, tránh tình trạng đề ra mức điểm sàn quá cao sẽ dẫn tới việc thiếu đầu vào sư phạm.
Bên cạnh đó, hiện nay đánh giá học sinh giỏi chủ yếu dựa vào 2 môn Toán - Văn, trong khi sư phạm lại đào tạo rất nhiều ngành với nhiều môn học khác nhau nên nếu quy định cứng là chỉ những học sinh tốt nghiệp THPT có học lực từ giỏi trở lên mới được vào đại học sư phạm là chưa ổn.
Thực tế, việc đánh giá cũng có sự chênh lệch giữa các trường phổ thông nên đưa ra quy định như vậy cũng sẽ nảy sinh những điều chưa hợp lý.
Ông Vinh đề xuất: “Để giải bài toán đầu ra, đầu vào của ngành sư phạm, Bộ GD&ĐT cần phối hợp với các địa phương để tính toán quy hoạch nhân lực sư phạm một cách chuẩn xác, không thừa thiếu cục bộ, có chế độ đãi ngộ tốt, bảo đảm việc làm cho sinh viên tốt nghiệp, lúc đó chắc chắn sẽ thu hút được học sinh giỏi vào sư phạm”.