Bản Cát Cát - vẻ đẹp của núi rừng Sapa hút khách du lịch

Tạp Chí Nhân Đạo
Bản Cát Cát thuộc xã San Sả Hồ, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai là một làng dân tộc Mông sinh sống, nằm cách trung tâm thị trấn Sa Pa (tỉnh Lào Cai) 2km. Cát Cát được qui hoạch phát triển du lịch cộng đồng, du lịch bản làng.
Bản Cát Cát được hình thành từ thế kỷ 19 giữa thung lũng bốn bề núi dựng. Đầu thế kỷ 20, người Pháp đã phát hiện và chọn bản làm nơi nghỉ dưỡng cho các quan chức đồng thời cho xây dựng tại đây một nhà máy thủy điện. Ở đây có một thác nước đẹp mà theo tiếng Pháp có nghĩa là CatScat. Chính vì vậy, bản cũng lấy tên là Cát Cát (đọc chệch đi của CatScat).
Ngay tại đầu bản, theo lối xuống bậc thang đá là khu vườn hồng cổ, đặc trưng loài cây ưa thích khí hậu của Sa Pa. Khu vườn hoa hồng cổ và tổ chim dù mới được xây dựng vài năm gần đây nhưng thu hút rất nhiều khách đến đây chụp ảnh, tham quan. Ngoài cái tên hồng cổ Sapa nó còn được gọi với những cái tên khác như: Hồng cổ Pháp, hồng đào cổ Sapa, hồng Trà cổ,.. Nguồn gốc là những năm nước ta còn Pháp thuộc, người Pháp đã khám phá ra vùng đất Sapa có khí hậu tuyệt vời. Người Pháp nổi tiếng là lãng mạn, họ đã mang những cây hồng Pháp mang sang nước ta trồng tại các dinh thự của mình trên Sapa. Sau này chiến tranh kết thúc, giống hoa đặc biệt ấy được trồng nhân giống ra rất nhiều ở Sapa. Nghề trồng hoa hồng cổ không chỉ đem lại nhiều giá trị kinh tế thu nhập và việc làm cho bà con nơi đây mà còn đem lại một Sapa tiên cảnh, lãng mạn ngào ngạt hương hoa. 
 
Theo bậc đá xuống dần đến thác chính, là thấy bản Cát Cát, nơi có nhiều gia đình dân tộc Mông sinh sống. Bà con nơi đây sống quây quần bên nhau và họ trồng trọt ngay trên những sườn đồi. 
Đến thăm bản, du khách sẽ thấy lạ lẫm với những ngôi nhà ba gian lợp ván gỗ thường được gọi là "Nhà Trình tường", bên trong không gian nhà khá đơn giản với nơi thờ cúng, có sàn gác lương thực để dự trữ qua mùa lạnh, nơi ngủ, bếp và nơi tiếp khách.... Thường nhà có 3 cửa ra vào với cửa chính ở gian giữa.
Men theo lối đi dọc xuống bản Cát Cát là những sạp bán trang phục dân tộc và trang sức. Đây là những sản phẩm do chính tay những cô gái Mông khéo léo làm ra. Người Mông tạo nên những tấm thổ cẩm nhiều màu sắc và hoa văn mô phỏng cây, lá, hoa, muông thú... Gắn liền với công đoạn dệt vải bông, vải lanh là khâu nhuộm và in thêu hoa văn, phổ biến là kỹ thuật nhuộm chàm, nhuộm nước tro thảo mộc và cây lá rừng. Vải nhuộm xong được đánh bóng bằng cách lăn vải với khúc gỗ tròn trên phiến đá phẳng có bôi sáp ong. 
Thổ cẩm do người Mông dệt chỉ với bốn màu chủ đạo: Xanh, đỏ, trắng và vàng mà có rất nhiều hình dáng và hoa văn với kỹ thuật nhuộm chàm lấy phẩm nhuộm từ tro và lá rừng. Hiện nay, dân bản vẫn gìn giữ nét văn hóa đặc trưng với trang phục truyền thống của người Mông. Phụ nữ vẫn dùng tấm vải quấn quanh đầu làm khăn, áo khoác với cổ áo thêu họa tiết cổ. Thắt lưng được thêu các họa tiết cầu kỳ có tua rua 2 đầu. Váy có hình nón cụt được xếp nếp với phần mông bó chặt, thân váy xòe. Ðàn ông người vẫn đội chiếc mũ làm bằng vải lanh, áo trong xẻ nách, áo khoác dài ở bên ngoài.
 Ở bản làng Cát Cát thì nghề chế tác đồ trang sức bằng bạc hay bằng đồng, nhôm là một trong những nghề thủ công truyền thống đã có từ rất là lâu đời rồi. Quy trình chế tác bạc khá phức tạp gồm nhiều công đoạn trước hết họ cho bạc hoặc nhôm vào nồi trên bễ lò đun đến khi bạc nóng chảy thì rót vào máng. Chờ  bạc nguội thì lấy ra dùng búa đập, rèn sao cho thanh bạc có kích cỡ to, nhỏ, dài, ngắn, vuông, tam giác, tròn, dẹt hay kéo thành sợi tuỳ theo từng loại sản phẩm. Tiếp đó giũa cho thật nhẵn và nếu cần trang trí thì dùng đinh để chạm khắc, tạo hoa văn nổi hoặc chìm rồi mới uốn tạo hình sản phẩm. Cuối cùng là bước đánh nhẵn, làm trắng và bóng. Sản phẩm chạm bạc ở Cát Cát khá phong phú và đa dạng, gồm nhiều chủng loại khác nhau nhưng chủ yếu là đồ trang sức của phụ nữ: vòng cổ, vòng tay, dây xà tích, nhẫn…thật ý nghĩa cho các đoàn khách du lịch mua về làm quà cho người thân.
Bản Cát Cát không chỉ sở hữu phong cảnh thiên nhiên hoang sơ, trữ tình mà còn bởi những nét văn hóa truyền thống đặc sắc, đa dạng của đồng bào dân tộc Mông nơi đây. Khách du lịch sẽ cùng hòa mình vào điệu múa dịu dàng của những cô gái Mông xinh đẹp, điệu khèn, tiếng đàn môi say đắm lòng người hay cùng giao lưu nhảy sạp với  những chàng trai, cô gái người Mông ở trong nhà Văn Nghệ.
Men theo con đường đá dốc xuống, đi chừng hơn trăm bậc đá, du khách đã có thể nghe thấy tiếng nước chảy rất mạnh, tiếng thác nước reo như chào đón khách tới thăm. Thác nước này được người Pháp tìm ra và đặt tên là thác CatScat. 
Bước xuống dưới là dòng thác trắng xóa nước, chảy xiết. Vào mùa mưa lũ, nước có phần đục hơn do sạt đất, nhưng vào mùa nước rất trong và xanh. Nếu muốn chụp toàn cảnh thác, khách du lịch nên đứng từ trên cao để chụp toàn bộ dòng thác ấy. Hoặc ghi lại hình ảnh trên chiếc cầu gỗ bắc qua hai bên bờ với rất nhiều lẵng hoa xinh đẹp rung rinh theo nhịp bước của du khách khi đi qua cầu, cố gắng lấy thác nước hai đầu để bức ảnh thêm đẹp. Bên cạnh đó khách du lịch cũng có thể đi ra khu vực giữa thác theo đường tre gập ghềnh để chụp ảnh cùng ba vòng quay mặt trời để thỏa mãn cho nhu cầu chụp ảnh của mình. 
Cát Cát mang trong mình vẻ đẹp của núi rừng Sapa, cũng ẩn chứa những huyền diệu của bản sắc văn hóa tộc người thiểu số Việt Nam, vừa hấp dẫn, vừa trữ tình, lôi cuốn lòng người du khách.
Ths. Lê Thị Chung
Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội