Bắc Ninh: Phấn đấu 100% người có công với cách mạng được chăm sóc sức khỏe

Nguyễn Thị Quỳnh Mai
UBND tỉnh Bắc Ninh vừa ban hành Kế hoạch số 291/KH-UBND về thực hiện Chương trình nâng cao chất lượng bảo vệ, chăm sóc sức khỏe người có công với cách mạng, người cao tuổi, trẻ em, người khuyết tật và các đối tượng cần trợ giúp xã hội trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đến năm 2030.
image-1-1-102548-1653631032.jpg
Từ nay đến năm 2025, tỉnh Bắc Ninh phấn đấu 100% người có công với cách mạng được chăm sóc, điều dưỡng phục hồi sức khỏe.

Mục tiêu của kế hoạch nhằm bảo vệ, chăm sóc, phục hồi chức năng, nâng cao sức khỏe người có công với cách mạng, người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em, người nghiện ma túy và các đối tượng cần trợ giúp xã hội; củng cố, đổi mới, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và chất lượng cung cấp dịch vụ tại các cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở cai nghiện ma túy trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, góp phần phát triển hệ thống an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.

Trong đó, giai đoạn 2022-2025, phấn đấu 100% người có công với cách mạng được chăm sóc, phụng dưỡng, điều dưỡng phục hồi sức khỏe theo quy định chính sách của Trung ương và chính sách đặc thù của tỉnh theo quy định; 100% người cao tuổi có thẻ BHYT; được khám sức khỏe định kỳ và được cung cấp các kiến thức, kỹ năng tự chăm sóc sức khỏe; 100% người khuyết tật được tiếp cận các chương trình phục hồi chức năng tại cộng đồng; các địa phương và gia đình được tham gia đầy đủ vào Chương trình mở rộng tầm soát, chuẩn đoán, điều trị một số bệnh, tật trước sinh và sơ sinh...

Đến năm 2030, giảm tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt trên tổng số trẻ em xuống dưới 1,5% và 95% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được chăm sóc, nuôi dưỡng, trợ giúp vào năm 2030; 100% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được cứu trợ, hỗ trợ kịp thời; nâng tỷ lệ trẻ em khuyết tật có nhu cầu học tập được tiếp cận giáo dục chuyên biệt, giáo dục hòa nhập và hỗ trợ phục hồi chức năng phù hợp...

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và cộng đồng xã hội về vai trò, vị trí của công tác chăm sóc sức khỏe; kỹ năng điều dưỡng, chăm sóc, điều trị và phục hồi chức năng đối với người có công với cách mạng, thương bệnh binh; đối tượng bảo trợ xã hội... Đồng thời, phổ biến pháp luật về lĩnh vực chăm sóc sức khỏe cho cán bộ, nhân viên thuộc cơ sở xã hội nuôi dưỡng, cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở cai nghiện ma túy.

Thực hiện khám sàng lọc, khám sức khỏe ban đầu cho đối tượng khi được tiếp nhận vào các cơ sở xã hội nuôi dưỡng, cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở cai nghiện ma túy; định kỳ khám sức khỏe cho các đối tượng, qua đó, phát hiện sớm để chữa bệnh kịp thời, phòng chống các bệnh lây nhiễm; quản lý bệnh nhân mãn tính; chuyển đến bệnh viện tuyến trên khám, điều trị các trường hợp bệnh nặng. Cùng với đó, đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp trang thiết bị, vật tư y tế cho các cơ sở xã hội nuôi dưỡng, cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở cai nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh.