Những ngôi nhà nghĩa tình
Theo anh Tô Văn Dậu, cán bộ Lao động - Thương binh, Xã hội (LĐTBXH) xã Nam Dương (Lục Ngạn), chúng tôi đến thăm gia đình ông Vũ Hồng Chương (80 tuổi), thương binh hạng 4/4, ở thôn Nam Sơn. Ngôi nhà cấp 4 chật hẹp của người cựu binh đã xuống cấp.
Được biết, ông Chương nhập ngũ giữa những năm tháng ác liệt của cuộc chiến tranh chống Mỹ, chiến đấu ở chiến trường miền Nam. Năm 1976, ông xuất ngũ với vết thương do mảnh đạn găm ở đầu. Do sức khỏe yếu, lúc thời tiết thay đổi vết thương lại đau, thậm chí có thời điểm không kiểm soát được hành vi nên vợ ông là người lo toan mọi thứ. Cuộc sống khó khăn, thiếu thốn, nhiều năm gia đình ông thuộc diện hộ nghèo, từ năm 2019 chuyển sang hộ cận nghèo.
Ông Chương chia sẻ: “Những năm trước, nhờ sự quan tâm của đảng, gia đình tôi được nhận nhiều phần quà ý nghĩa. Khi thì cái ti vi màu, tủ lạnh nhỏ, đôi lợn, chục gà giống, lúc thì tiền, vật liệu để sửa chữa phần mái nhà bị dột. Vui mừng hơn, cán bộ huyện vừa thông tin sắp tới gia đình tôi được Hội đồng hương Lục Ngạn tại Hà Nội hỗ trợ tiền để cải tạo ngôi nhà cũ”.
Theo ông Nguyễn Mạnh Hà, Trưởng Phòng LĐTBXH huyện Lục Ngạn, qua rà soát, toàn huyện còn 7 hộ NCC thuộc diện nghèo, cận nghèo. Với mục tiêu xóa nghèo cho 100% số hộ này trong năm nay, phòng đã tham mưu với UBND huyện xây dựng phương án thực hiện, nắm bắt cụ thể thực trạng thiếu hụt để kêu gọi các nguồn xã hội hóa và có hình thức trợ giúp phù hợp. Gia đình ông Chương là một trong hai hộ cận nghèo khó khăn về nhà ở sẽ được Hội đồng hương Lục Ngạn tại Hà Nội hỗ trợ cải tạo công trình với tổng kinh phí 120 triệu đồng.
Từ ngày khánh thành ngôi nhà mới (tháng 4/2022), sức khỏe của chị Dương Thị Tú (SN 1983), thị trấn Nhã Nam (Tân Yên) như được cải thiện. Căn nhà khang trang với công trình vệ sinh sạch sẽ có tổng diện tích hơn 70 m2 sẽ giúp chị và con gái dần ổn định cuộc sống.
Được biết, chị Tú là nạn nhân nhiễm chất độc da cam thế hệ thứ hai, bố chị là ông Dương Văn Luận (SN 1947) bị nhiễm chất độc hóa học trong thời gian chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị. Trong số ba người con thì chỉ có chị Tú bị ảnh hưởng. Sức khỏe yếu, không được khôn ngoan như người bình thường, lại đơn thân nuôi con nhỏ nên người thân trong gia đình đều lo lắng cho cuộc sống của chị.
Ngôi nhà cũ mà ông Luận xây tạm cho con gái ở gần nhà đã xuống cấp nhiều năm. Với quyết tâm xóa nhà tạm cho NCC, gia đình chính sách, Đảng ủy, UBND thị trấn Nhã Nam đã phát động, kêu gọi được 120 triệu đồng từ nhiều nguồn tài trợ, giúp gia đình chị Tú vơi bớt khó khăn.
Huy động nguồn xã hội hóa, hỗ trợ đúng đối tượng
Theo báo cáo của Phòng NCC (Sở LĐTBXH), toàn tỉnh hiện đang quản lý hơn 159,8 nghìn hồ sơ NCC. Trong đó, còn hơn 25,7 nghìn NCC và thân nhân đang hưởng trợ cấp hằng tháng. Theo ông Phạm Trọng Ý, Trưởng Phòng NCC, cùng với tham mưu thực hiện đẩy đủ, kịp thời các chính sách ưu đãi với NCC, sau khi Chính phủ ban hành Quyết định 22/2013/QĐ-TTg năm 2013 hỗ trợ NCC với cách mạng về nhà ở, phòng đã chủ động đề xuất xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể.
Kết quả đến nay, toàn tỉnh có hơn 3 nghìn hộ NCC được hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà, tổng kinh phí hơn 100 tỷ đồng (gồm cả ngân sách T.Ư hỗ trợ và tỉnh đối ứng). Đặc biệt, với phương châm cộng đồng chung tay, từ năm 2013 đến nay, có hơn 1 nghìn NCC được cải tạo nhà ở với kinh phí gần 30 tỷ đồng từ quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” các cấp.
Hướng đến kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7 năm nay, Sở LĐTBXH tham mưu với UBND tỉnh ban hành kế hoạch hỗ trợ xóa nghèo cho 44 hộ nghèo, 136 hộ cận nghèo là NCC (theo kết quả tổng điều tra, rà soát năm 2021, áp dụng chuẩn nghèo giai đoạn 2022-2025) trong năm 2022. Trong số này, có 40 hộ thiếu hụt về nhà ở.
Ông Bùi Quang Phát, Phó Giám đốc Sở LĐTBXH cho biết: Trong điều kiện nguồn ngân sách các cấp còn hạn hẹp thì để hoàn thành mục tiêu này, ngoài hướng dẫn các địa phương trích quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” ưu tiên chăm lo NCC khó khăn, đơn vị chủ động tham mưu, phối hợp với các ngành, MTTQ, tổ chức chính trị - xã hội nhằm huy động tối đa nguồn xã hội hóa, giúp NCC sớm có nơi an cư, ổn định đời sống.
Huyện Sơn Động hiện có 129 hộ nghèo, hộ cận nghèo là NCC (nhiều nhất tỉnh), trong đó có 28 hộ thiếu hụt về nhà ở. Trao đổi với bà Tống Thị Hương Giang, Phó Chủ tịch UBND huyện được biết, việc hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở cho NCC được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong năm nay của địa phương, hoàn thành mục tiêu xóa xong hộ nghèo là NCC theo chỉ đạo của UBND tỉnh. Vì vậy, ngay khi tỉnh ban hành kế hoạch, UBND huyện đã thành lập ban chỉ đạo, xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể.
Để hỗ trợ đúng đối tượng, ban chỉ đạo huyện phân công các ngành thành viên phụ trách cụm xã theo dõi sát khâu tổng hợp danh sách, cử cán bộ đến trực tiếp thẩm định trước khi phê duyệt kinh phí hỗ trợ. Huyện cũng tư vấn mẫu nhà cho các gia đình lựa chọn trên cơ sở phù hợp với điều kiện kinh tế; thường xuyên đôn đốc, giám sát việc thi công của các gia đình, bảo đảm tiến độ. Đồng thời, chỉ đạo các xã, thị trấn phân công cán bộ địa chính, xây dựng hỗ trợ nếu có vướng mắc phát sinh; huy động hội viên các hội, đoàn thể đóng góp ngày công, giúp đỡ gia đình chính sách sớm hoàn thành công trình.
Nhằm thực hiện hiệu quả Pháp lệnh NCC, nhất là hỗ trợ cải thiện nhà ở, bảo đảm duy trì mức sống của NCC bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của dân cư nơi cư trú, các cấp, ngành, địa phương đẩy mạnh hơn nữa hoạt động tuyên truyền để hoạt động “Đền ơn, đáp nghĩa” ngày càng lan tỏa sâu rộng, trở thành trách nhiệm của mỗi cá nhân và cả cộng đồng. Đặc biệt, huy động tối đa các nguồn xã hội hóa, lồng ghép phù hợp với ngân sách, trợ giúp gia đình chính sách còn khó khăn được an cư, cải thiện đời sống.