Bắc Giang: Lan tỏa hoạt động thiện nguyện hội, nhóm

Tạp Chí Nhân Đạo
(NĐ&ĐS) - Không phân biệt thành phần, tuổi tác, nghề nghiệp, hoạt động dựa trên tinh thần tự nguyện vì mục đích nhân đạo; vài năm gần đây, mô hình hội, nhóm, câu lạc bộ (CLB) làm từ thiện trên địa bàn tỉnh Bắc Giang xuất hiện ngày càng nhiều. Hoạt động này đã tạo sức lan tỏa, mang hơi ấm tình thương đến biết bao người.

Mặc dù thu nhập chỉ trông vào đồng lương hưu ít ỏi, song 3 năm qua, ông Trần Văn Thanh (62 tuổi), ở thị trấn Thắng, huyện Hiệp Hòa đã sử dụng ngôi nhà 3 gian của mình để phục vụ nấu ăn miễn phí cho bệnh nhân nghèo nằm điều trị tại Bệnh viện đa khoa huyện Hiệp Hòa.

Hiện ông Thanh là Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) “Chung một tấm lòng”. CLB có hơn 60 thành viên tham gia, với nhiều thành phần, lứa tuổi khác nhau. Cứ 2 lần/tháng, kể cả mưa gió, rét mướt, các thành viên nòng cốt trong CLB lại đến nhà ông nấu ăn trưa miễn phí cho bệnh nhân (khoảng 200 suất/lần, mỗi suất trị giá 15-20 nghìn đồng).

thien-nguyen-bac-giang
Một buổi cấp suất cơm miễn phí cho bệnh nhân nghèo của CLB Chung một tấm lòng huyện Hiệp Hòa tại Bệnh viện Đa khoa huyện.

3 năm qua, đã có hàng nghìn suất ăn miễn phí đến với bệnh nhân  nghèo. Nguồn kinh phí do hội viên, các nhà hảo tâm trong và ngoài huyện ủng hộ. “Ban đầu, chỉ có một số sinh viên và người cao tuổi tham gia, dần dần rất đông người tự nguyện xin nhập CLB”, ông Thanh tâm sự.

Không dừng lại ở việc cung cấp bữa trưa miễn phí, CLB trực tiếp ủng hộ tiền mặt, thực phẩm, sách vở, quần áo, đồ gia dụng cho nhiều hộ, học sinh hoàn cảnh khó khăn ở nhiều nơi với số tiền lên tới hàng trăm triệu đồng.

Chị Nguyễn Thị Huyền, thôn Hạc Lâm, xã Hương Lâm, huyện Hiệp Hòa bị liệt cả 2 chân, 2 tay, kinh tế khó khăn. Bị chồng bỏ, bản thân chị không có khả năng lao động, mọi việc trong nhà từ nấu ăn, giặt giũ, sinh hoạt cá nhân… chị Huyền đều cậy nhờ vào cậu con trai 5 tuổi. Thấu hiểu gia cảnh của chị, CLB phối hợp với một số tổ chức vận động các nhà hảo tâm tặng số tiết kiệm, xây nhà, mua xe lăn trị giá khoảng 200 triệu đồng để tặng gia đình.

Vài năm gần đây, phong trào hội, nhóm, CLB tham gia hoạt động thiện nguyện giúp đỡ hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh Bắc Giang ngày một lan tỏa. Hiện toàn tỉnh có gần 20 mô hình tiêu biểu hoạt động từ thiện, nhân đạo (mỗi mô hình từ 15-40 thành viên) trải đều 10 huyện, thành phố. Các thành viên đa dạng về thành phần, lứa tuổi, nghề nghiệp song đều có điểm tương đồng đó là hoạt động hướng thiện.

Các tên hội, nhóm, CLB như “Góp sức Sơn Động”, “Lục Ngạn yêu thương”, “Thiện nguyện Phượng Hoàng”, “Thiện tâm Lục Nam”… đã không còn xa lạ với những người được giúp đỡ. Từ những mô hình này đã có biết bao mảnh đời, số phận được chở che, tiếp thêm nguồn năng lượng sống. Đáng chú ý, nhiều hội, nhóm, CLB sử dụng mạng xã hội,  trang fanpage để thông tin, chia sẻ, mang lại hiệu quả thiết thực.  

thien-nguyen-bac-giang-1
Hội Thiện nguyện Đồng Tâm Bắc Giang trao quà cho học sinh nghèo Trường Tiểu học và THCS Phú Kim Sơn, huyện Lục Ngạn.

Hội “Thiện nguyện Đồng Tâm” thành lập năm 2016 với gần 20 thành viên. Họ đến từ nhiều nơi trong tỉnh, có người là công chức, công nhân, người làm trong doanh nghiệp, người kinh doanh tự do...

Hội trưởng Hội “Thiện nguyện Đồng Tâm” - chị Trương Thị Huệ (SN 1983), phường Mỹ Độ, thành phố Bắc Giang đang công tác trong ngành ngân hàng. Chị Huệ chia sẻ, hồi nhỏ, hình ảnh những người ăn xin, tàn tật, bị bão lũ cứ ám ảnh trong tâm trí chị. Từ đó, chị nuôi dưỡng ước mơ có một ngày nào đó, mình sẽ quy tụ thật nhiều người làm từ thiện để giúp đỡ những hoàn cảnh không may mắn. Đồng lương cán bộ có giới hạn, lúc rảnh rỗi chị tranh thủ bán đồ gia dụng trên mạng xã hội facebook tích cóp tiền gây quỹ ủng hộ. Hội có trang Fanpage riêng, mọi thông tin về đối tượng cần giúp đỡ đều được chia sẻ. Việc quyên góp, ủng hộ được thực hiện công khai, minh bạch; đúng đối tượng, địa chỉ trên trang Fangage của Hội.

Ngoài ủng hộ đột xuất, thông thường mỗi quý, Hội tổ chức các chuyến hàng ủng hộ, nhiều hội viên lặn lội hàng trăm cây số đến vùng sâu, vùng xa giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn. Chỉ tính từ năm 2018 đến nay, rất nhiều hộ, học sinh có hoàn cảnh khó khăn được  trợ giúp tiền để điều trị bệnh hiểm nghèo, nuôi dưỡng ước mơ cắp sách tới trường, không ít trường hợp được hỗ trợ kinh phí xây nhà ở.

Cụ Hoàng Thị Hợi (94 tuổi), xã Tư Mại, huyện Yên Dũng sống một mình, không nơi nương tựa. Ngôi nhà cụ Hợi ở tồi tàn, siêu vẹo có thể ập xuống bất cứ lúc nào. Cuối năm 2018, hội đã vận động các nhà hảo tâm ủng hộ tiền xây căn nhà mới trị giá khoảng 30 triệu đồng. Tuy giá trị về vật chất không lớn song cụ Hợi cảm thấy vui mừng, xúc động.

Có thể nói, hoạt động thiện nguyện của các tổ, nhóm, CLB ở tỉnh Bắc Giang có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện tinh thần “tương thân tương ái”, “lá lành đùm lá rách” của dân tộc.

Bà Ma Thị Thìn Nga, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Bắc Giang cho biết, hiệu quả thiết thực nhất từ các mô hình là tính kịp thời, đúng địa chỉ. Bởi lẽ, trong cuộc sống có rất nhiều người gặp hoạn nạn bất ngờ như tai nạn, bệnh hiểm nghèo… song để nhận được khoản hỗ trợ giúp theo quy định, các đối tượng phải trải qua nhiều thủ tục xét duyệt, mức hỗ trợ cũng giới hạn nhất định. Việc quyên góp, ủng hộ trực tiếp sẽ giúp các đối tượng giải quyết kịp thời khó khăn đang gặp phải.

“Để phong trào ngày càng lan tỏa, với vai trò của mình, Hội Chữ thập đỏ tỉnh Bắc Giang sẽ tiếp tục tuyên truyền, kết nối, điều phối, vận động các nhà hảo tâm ủng hộ, giúp đỡ các đối tượng để họ khắc phục khó khăn, vươn lên trong cuộc sống”, bà Nga nói.

Công Doanh