Niềm hạnh phúc… biết chữ
Bị liệt hai chân, từ nhỏ, Nguyễn Thị Thùy (lớp 7, trường Trung học cơ sở Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa) tưởng chừng chỉ làm bạn với 4 bức tường nhà và khoảnh sân nhỏ trước cửa, không được học hành, vui chơi cùng chúng bạn, nhưng số phận đã mỉm cười với em khi bà giáo Nguyễn Thị Thông (Nhà giáo ưu tú, nguyên Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ngư Lộc 2, Chủ tịch Hội Khuyến học xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa) đến tận nhà vận động gia đình cho cháu tới học ở lớp học tình thương miễn phí mà bà giáo mở ra. Học hết chương trình tiểu học ở lớp học của bà giáo Nguyễn Thị Thông, nhận thấy Thùy có khả năng tiếp thu tốt và có thể học lên cao hơn, bà giáo Nguyễn Thị Thông liên hệ với nhà trường để Thùy được theo học chương trình chính khóa lớp 5 ở trường tiểu học xã nhà, sau đó chuyển lên học Trung học cơ sở. Ở trường Trung học cơ sở Ngư Lộc, Thùy không phụ công bà giáo Thông tận tình, luôn cố gắng học tốt và cũng luôn đạt thành tích cao trong học tập, là học sinh tiên tiến năm học vừa rồi.
“Con rất biết ơn bà giáo Thông. Nhờ có bà, con mới được đến trường, được đi học cùng các bạn. Con sẽ cố học giỏi để sau này trở thành người có ích, giúp đỡ nhiều người khác như bà giáo”, Thùy rưng rưng nước mắt khi nói chuyện với chúng tôi.
Số phận còn kém may mắn hơn cả em Nguyễn Thị Thùy, Nguyễn Văn Hưng đã 16 tuổi nhưng bị liệt cả 2 tay và 2 chân. Chẳng ai nghĩ, một ngày, Hưng có thể được đi học, được làm bạn với sách vở, bút mực, được vui đùa cùng bạn bè cùng trang lứa. Nhờ sự tận tụy của bà giáo Thông, Hưng đã làm được điều mà chẳng ai nghĩ ấy. Để đến được lớp học tình thương của bà giáo Thông, bà giáo phải đến nhà thuyết phục gia đình cho Hưng đi học. Hằng ngày, bà giáo cử những bạn học sinh khỏe mạnh đến tận nhà đưa Hưng đến lớp, rồi tự tay bà cẩn thận đưa em lên từng bậc cầu thang vào lớp học. “Rất may là cháu chỉ bị khuyết tật tay chân, nhưng đầu óc thông minh, học tốt, nên tôi rất thương cháu. Những ngày mưa, tôi cho học sinh đưa bài về nhà cho cháu học, những ngày nắng thì cử hai em học sinh khỏe đưa đón cháu để cháu được đi học đầy đủ”, bà giáo Thông chia sẻ.
Có đến lớp học tình thương của bà giáo già Nguyễn Thị Thông mới thấy, hạnh phúc lớn lao nhất của những mảnh đời trẻ em bất hạnh lại chính là những điều bình thường nhất, giản dị nhất, đó là được đến trường, được học chữ, học phép tính, học hát và học cả những điều hay, lẽ phải, học để làm một người tử tế, biết vươn lên chiến thắng số phận và trở thành người có ích.
Chẳng riêng gì các em nhỏ, bà giáo Nguyễn Thị Thông còn mở lớp dạy chữ, dạy toán cho 88 người lớn có độ tuổi từ 50 đến 70 chưa biết chữ trong vùng. Ở độ tuổi làm bà, làm cụ, họ vẫn hăng hái đi học lớp học tình thương của bà giáo Thông, làm bạn với những chữ cái ABC và những phép tính cộng trừ nhân chia đơn giản. Họ học để biết đọc những thông tin giúp ích cho chính họ trong cuộc sống hằng ngày, để biết những phép tính đơn giản nhất phục vụ cho việc làm ăn, buôn bán và quan trọng hơn cả là để nêu gương cho lớp cháu con biết giá trị đích thực của việc được học hành tới nơi, tới chốn.
Lo cái ăn, cái mặc và cứu vớt cả cuộc đời các bé
Không chỉ tận tâm, tận lực dạy cho 104 cháu nhỏ có hoàn cảnh khó khăn, tật nguyền và 88 người lớn hết chương trình cơ bản của bậc tiểu học, đọc thông, viết thạo, làm thành thục những phép tính đơn giản và nắm được những kiến thức cơ bản nhất về các lĩnh vực khác theo đúng khung chương trình giáo dục tiểu học, bà giáo Thông còn cặm cụi đi huy động sự ủng hộ của xã hội để giúp các cháu có cái ăn, cái mặc đủ đầy.
Vì lớp học của bà là lớp học đặc biệt, trong đó có những học sinh có gia cảnh hết sức khó khăn, nên việc lo cái ăn, cái mặc cho học sinh là điều cực kỳ quan trọng để giúp các cháu yên tâm đến lớp. Cùng với đó, hàng ngày, chứng kiến cảnh các cháu bé thiếu ăn, thiếu mặc cũng khiến lòng bà giáo già không yên. Bởi vậy, bà nghĩ và làm mọi cách để giúp các cháu. Với đồng lương hưu ít ỏi, bà không thể đủ nguồn lực để lo cho hàng trăm học sinh có hoàn cảnh đặc biệt mà mình đang cưu mang. Vì thế, bà giáo Thông báo cáo với Đảng ủy, UBND xã để xin hỗ trợ lương thực cho các cháu. Cũng may, nhờ sự đồng cảm và tinh thần trách nhiệm cao của các bác lãnh đạo xã, nên Đảng ủy, UBND xã đã đồng ý hỗ trợ lương thực cho các cháu học sinh có hoàn cảnh khó khăn, giúp các cháu yên tâm tới lớp với cái bụng không bị đói.
Để lo cho các cháu học sinh cái mặc, bà giáo Thông đến 2 trường tiểu học của địa phương, nhờ các thầy, cô giáo phát động phong trào quyên góp quần áo cũ tặng học sinh lớp học đặc biệt ấy. Từ những bộ quần áo cũ quyên góp được, bà giáo Thông phân loại và phân chia đến từng học sinh những bộ quần áo vừa vặn, có thể sử dụng được ngay. Những bộ quần áo quá rộng, bà giáo Thông lại lọ mọ gõ cửa từng cửa hàng may đo trên địa bàn nhờ họ sửa sang lại cho vừa vặn với vóc dáng học sinh của mình.
Nhờ sự tận tụy của bà giáo Thông, các cháu học sinh lớp học tình thương của bà đã chẳng những không còn bị “đói chữ”, mà còn không bị cái đói ăn, thiếu mặc hành hạ mỗi ngày.
Cảm động nhất có lẽ là câu chuyện bà giáo Thông đã cứu giúp được một cháu bé bị bệnh tim bẩm sinh, gia đình đã bất lực ngồi nhìn cháu đến gần với cái chết. Nhờ sự nỗ lực của bà giáo, cháu bé được tài trợ mổ tim miễn phí. Bên cạnh đó, bà giáo còn vận động các đoàn thể trong xã cử người cùng với bà và người nhà đưa cháu bé đi làm từng thủ tục ở bệnh viện, từ bệnh viện huyện, lên bệnh viện tỉnh, rồi ra tận Hà Nội để giúp ca mổ cho cháu bé thành công tốt đẹp. Giờ đây, cháu bé đã trở về với lớp học tình thương của bà giáo Thông, đang bắt đầu những bài học đầu tiên của chương trình lớp 1.
Với tình yêu thương và sự tận tụy của bà giáo Thông, một học sinh của bà đã vươn lên chiến thắng số phận, học rất giỏi và đã thi đỗ đại học. Phần lớn học sinh còn lại từ lớp học tình thương của bà giáo già đã biết học nghề, hay đi xuất khẩu lao động để vươn lên thoát nghèo, làm giàu cho bản thân và gia đình. Những người lớn hoàn thành chương trình học tập ở lớp học của bà giáo Thông cũng nhanh nhạy hơn trong việc làm ăn, buôn bán, cuộc sống ngày càng khấm khá. Vì thế, ai trong số họ cũng coi bà giáo Thông còn hơn cả một vị ân nhân đã cứu rỗi cuộc đời họ. Bà giáo già Nguyễn Thị Thông luôn được họ coi là một người bà, một người chị, một người cô, một người bác thân thiết hơn cả tình ruột già, máu mủ.