Australia: Làn sóng COVID-19 gia tăng, nhiều người phải làm việc tại nhà

Lã Thị Thúy Hằng
Trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 phải nhập viện điều trị ở mức cao kỷ lục (vào ngày 26/7), giới chức y tế và chuyên gia Australia hối thúc các chủ sở hữu lao động cho phép nhân viên làm việc tại nhà nếu điều kiện cho phép.
Chú thích ảnh Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Melbourne, Australia. Ảnh: AFP/ TTXVN

Trước đó, Giám đốc Y tế Australia Paul Kelly cảnh báo nước này đang trong “giai đoạn đầu của làn sóng dịch”, đồng thời khuyến nghị các công ty, tập đoàn cho phép nhân viên làm việc tại nhà trong một vài tuần. Theo ông, điều này sẽ tạo ra sự khác biệt lớn trong việc phòng, chống dịch COVID-19.

Một số tập đoàn đã tuân thủ khuyến nghị trên. Telstra - Tập đoàn viễn thông lớn nhất tại Australia, khuyến khích nhân viên làm việc tại nhà nếu có thể. Trong khi đó, Westpac – một trong những ngân hàng lớn nhất nước này, cũng đã nâng cảnh báo COVID-19, điều này có nghĩa nhân viên nào có thể làm việc tại nhà mà không cần có mặt tại công ty.

Tuy nhiên, người đứng đầu Hội đồng kinh doanh Australia Jennifer Westacott cho rằng làm việc tại nhà sẽ gây ảnh hưởng đến nền kinh tế. Thư ký Hội đồng công đoàn Australia Sally McManus cũng ủng hộ các công ty cho phép nhân viên lựa chọn nơi làm việc, thay vì làm việc hoàn toàn tại nhà.

Thủ tướng Anthony Albanese cho rằng chủ sử dụng lao động cần có quyền tự ra quyết định có lợi cho doanh nghiệp của mình. Ông nhấn mạnh: “Làm việc tại nhà không mang lại hiệu quả đối với một số doanh nghiệp. Ngược lại, những doanh nghiệp khác có thể linh hoạt giữa hai hình thức để phù hợp với sự phát triển của công ty”.

Australia đang trải qua đợt bùng phát dịch COVID-19 nghiêm trọng và là một trong những nước có tỷ lệ mắc và tử vong do COVID-19 cao nhất thế giới. Riêng trong ngày 26/7, nước này có tới 5.571 bệnh nhân phải điều trị trong bệnh viện do COVID-19, mức cao nhất kể từ khi đại dịch bùng phát. Số ca tử vong trung bình mỗi ngày trong tuần trước là 86 và vẫn đang tiếp tục tăng, gần với mức đỉnh trong làn sóng COVID-19 tồi tệ hồi tháng 1 vừa qua. Khoảng 95% tổng số người dân trên 12 tuổi ở nước này đã 2 liều vaccine phòng bệnh, song mới có khoảng 62% trong số này tiêm mũi tăng cường.