Trong suốt hai năm qua, Apple và Qualcomm đã ở trong tình trạng căng thẳng về việc phân chia khối lợi nhuận hàng tỷ đô la. Thứ 3 tuần trước, một phiên toà đã bắt đầu tại Phòng xử án Liên bang San Diego khi Apple đệ đơn kiện Qualcomm, đòi hỏi công ty sản xuất chipset này phải trả lại 3,1 tỷ USD cho những bản quyền đã hết hạn.
Ngược lại, Qualcomm cũng đòi hỏi Apple đền bù thiệt hại 15 tỷ USD vì đã qua mặt các cơ quan quản lý và sử dụng phần mềm của mình để làm lợi cho đối thủ.
Mới đây, Apple và Qualcomm công bố rằng hai bên đồng ý bãi bỏ tất cả những vụ kiện tụng rên toàn cầu, đồng thời đã đạt được thoả thuận trong 6 năm để Apple trả tiền bản quyền cho các bằng sáng chế của Qualcomm.
Apple nhượng bộ
Thoả thuận trên, có hiệu lực từ ngày 1/4, bao gồm tuỳ chọn 2 năm cho một phần mở rộng, cùng với hợp đồng nhiều nhiều năm để Qualcomm sản xuất chip cho Apple. Đổi lại, Apple sẽ thực hiện thanh toán một lần cho Qualcomm.
Trọng tâm của các tranh chấp là sự bất đồng về cách Qualcomm tính phí bản quyền với các bằng sáng chế mà hãng nắm giữ về chip di động. Qualcomm tính phí bản quyền trên gần như mọi thiết bị bán ra - ngay cả khi điện thoại không sử dụng chip của hãng. Mô hình kinh doanh này của Qualcomm khiến Apple không đồng tình và khởi kiện.
Các điều khoản của thoả thuận cho thấy ít nhất Qualcomm cùng với những bằng sáng chế của mình đã nắm được phần thắng. Điều này khiến các nhà quản lý như Ủy ban Thương mại Liên bang phải dành sự chú ý đặc biệt cho công ty này. Cổ phiếu Qualcomm, vốn bị tác động bởi cuộc tranh chấp trong hai năm với Apple, đã tăng 23% sau khi Apple nhượng bộ.
Nhà sản xuất chip cho biết việc nhận được khoản đền bù sẽ giúp giá trị mỗi cổ phiếu tăng thêm 2 đô la. Stacy Rasgon, nhà phân tích tại trung tâm Sanford C. Bernstein, nói rằng 1,2 tỷ đô la cổ phiếu hiện hành của Qualcomm sẽ chuyển sang 2,5 tỷ đô la doanh thu bổ sung, là số tổng từ tiền bản quyền và bán chip.
Lùi một bước để tiến xa hơn
Khi đồng ý giải quyết vụ việc, Apple đã ngầm thừa nhận rằng hãng chấp nhận mô hình kinh doanh của Qualcomm. Công bố từ hai công ty hôm 16/4 cho biết thoả thuận này “phản ánh giá trị và sức mạnh tài sản trí tuệ của Qualcomm”.
Tranh chấp này có thể ảnh hưởng đến giá bán ra của điện thoại, nhưng thay đổi là chưa rõ ràng cho đến khi chi tiết tài chính của việc đền bù, dự kiến công bố vào tháng năm, được công khai. Song những chênh lệch về giá bán lẻ sẽ không lớn.
Apple có thể đã chịu áp lực phải đạt được thoả thuận với Qualcomm vì một trong những nhà cung cấp chip hiện tại của họ, Intel, đã có dự định ngừng bán chip modem không dây cho smartphone, bao gồm chip 5G. Trong khi Qualcomm hiện đã bắt đầu cung cấp chip 5G cho các đối thủ của Apple như Samsung Electronics từ đầu năm nay.
Vụ kiện toàn cầu đáng lẽ sẽ kéo dài đến đầu tuần này tại Toà án Quận Nam California, khi một bồi thẩm đoàn đã được chọn vào hôm 15/4 để xét xử. Thời gian xử án bắt đầu vào sáng 16/4 và được lên kế hoạch tiếp tục vào buổi chiều, trước khi thoả thuận trên được công bố.
Quyết định này giữa Qualcomm và Apple đã khiến ngành công nghệ bất ngờ. Trước đây, Apple từng từ chối dàn xếp vụ kiện sở hữu trí tuệ với Samsung và theo đuổi vụ này trong suốt 7 năm, cho đến khi Toà án Tối cao kêu gọi kết thúc vào năm ngoái.
“Tôi không thể nhận định gì”, Chủ tịch công ty phân tích Insight & Strategy Patrick Moorhead nói: “Qualcomm giành chiến thắng lớn hơn vì đã chấp nhận mất nhiều để có nhiều. Và mọi thứ rồi đã kết thúc hôm nay”.
Ông Moorhead nói thêm rằng cả hai bên đều có động cơ để kết thúc quá trình tố tụng. Đối với Apple, thoả thuận này mở ra cơ hội để hãng tiếp cận chip 5G của Qualcomm trong tương lai, không còn phải lo lắng nhiều trong cuộc đua để bắt kịp công nghệ di động mới nhất hiện nay.
Tuy nhiên, việc giải quyết với Apple không chấm dứt tất cả các rắc rối pháp lý của Qualcomm. Những vụ kiện về việc kiểm tra phần mềm của hãng này đã được đem ra xử vào tháng 1 vẫn đang phải chờ phán quyết từ thẩm phán Lucy Koh, toà án Quận Nam California.
Bà đã đưa ra quán quyết sơ bộ, yêu cầu Qualcomm cấp giấy phép bằng sáng chế cho những nhà sản xuất chip đối thủ cũng như các nhà sản xuất điện thoại, là điều công ty từ lâu đã phản đối.