Anh Thanh gắn kết và bảo vệ người khuyết tật

Nguyễn Thị Quỳnh Mai
Quản lý hơn 100 vận động viên (VĐV) là người khuyết tật (NKT) quả là công việc vô cùng khó khăn, đòi hỏi nhiều tâm huyết. Vậy mà anh Đỗ Ngọc Thanh, trên cương vị phụ trách bộ môn thể thao NKT Hà Nội, bằng tấm lòng chân thành, nhân ái, với mong mỏi VĐV khuyết tật nói riêng, NKT nói chung hòa nhập cuộc sống, cống hiến cho xã hội, đã cùng các VĐV viết nên câu chuyện đẹp về một tập thể gắn kết và có thành tích thi đấu luôn ở tốp đầu.
7-1656380642.jpg
Anh Đỗ Ngọc Thanh (đứng thứ ba, từ phải sang) với các vận động viên, huấn luyện viên bộ môn bóng bàn người khuyết tật Hà Nội. 

Đảng viên không ngại việc khó

Sau nhiều lần thuyết phục, tôi đã được gặp và trò chuyện với anh Đỗ Ngọc Thanh vào một trưa hè sau giờ làm. Một phần vì công việc của anh quá bận rộn, phần khác vì anh ngại lên báo. Công việc của anh bao năm qua vẫn âm thầm và ít được biết đến. Nhưng anh luôn vui vẻ và tận tâm với nghề, bởi theo anh, nhìn thấy NKT hạnh phúc và được cống hiến cho xã hội là điều ý nghĩa nhất.

Sinh năm 1975 tại huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Tây (nay là TP Hà Nội), Đỗ Ngọc Thanh sớm trúng tuyển vào Trường cán bộ thể dục thể thao (TDTT) Trung ương (nay là Trường Đại học TDTT Bắc Ninh). Sau khi ra trường, anh về công tác tại Sở TDTT tỉnh Hà Tây, sau được phân công làm Trưởng bộ môn võ Hà Tây rồi phụ trách bộ môn đấu kiếm Hà Tây. Sau khi Hà Tây sáp nhập vào Hà Nội năm 2008, anh về làm Phó chủ nhiệm bộ môn bơi Hà Nội. Khi đang làm tốt công việc, năm 2018, anh được lãnh đạo Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT Hà Nội giao nhiệm vụ phụ trách thể thao NKT.

Với thể thao NKT, công việc của nhà quản lý không chỉ có chuyên môn mà còn phải biết chăm lo cho mọi người và đôi khi phải lựa lời để không mất lòng các bác, các chú cao tuổi. Trước những khó khăn trên, ngày mới về nhận nhiệm vụ, Đỗ Ngọc Thanh cũng có nhiều lo lắng. Anh tâm sự: “Không phải ai cũng muốn chuyển công tác khi công việc của mình đang làm tốt. Thời điểm đó, tôi cũng có một chút tâm tư, nhưng tôi suy nghĩ rằng, mình là đảng viên thì phải sẵn sàng nhận và hoàn thành mọi nhiệm vụ”.

Trên tinh thần cầu thị, anh Thanh thường xuyên học hỏi kinh nghiệm từ những đồng nghiệp đi trước để hiểu thêm về bộ môn và NKT. Ngoài ra, anh cũng dành nhiều thời gian để làm quen, gần gũi, cùng VĐV tìm ra giải pháp thúc đẩy họ tự tin, phát triển.

Đã từng có thời điểm, nội bộ thể thao NKT Hà Nội chưa thực sự đoàn kết dẫn đến một số VĐV tự ái bỏ việc, số khác thì tỏ ra bất mãn. Bởi vậy, đối với anh Đỗ Ngọc Thanh, việc giúp VĐV NKT đoàn kết, hiểu được chủ trương của lãnh đạo trung tâm và ngành thể thao Hà Nội là một trong những nhiệm vụ quan trọng thời điểm ấy. Anh cho biết: “Bản thân các VĐV NKT Hà Nội đã có nhiều năm cống hiến, có bề dày thành tích. Một số bác là thương binh đã cao tuổi nên nhiều khi chúng tôi phải lựa lời nói để mọi người cùng hiểu, cùng thực hiện. Trong đó, việc phân hạng thương tật cho VĐV thường dễ xảy ra mâu thuẫn. Trước mỗi giải đấu, dù ban tổ chức đã quyết định phân hạng rồi nhưng khi chúng tôi về phổ biến thì VĐV không bằng lòng. Lúc đó, chúng tôi phải giải thích, phân tích để các bác hiểu".

Hết mình bảo vệ quyền lợi của người khuyết tật

Hiện tại, thể thao NKT Hà Nội duy trì tập luyện cho hơn 100 VĐV, ở 6 môn thể thao NKT, gồm: Bóng bàn, cầu lông, cử tạ, cờ vua, điền kinh, bơi. Hơn một nửa quân số là hạng thương tật nặng; trình độ, học thức, nhận thức khác nhau nên việc quản lý các VĐV NKT là nhiệm vụ không đơn giản. Anh Đỗ Ngọc Thanh chia sẻ: “Khi đã đến với thể thao NKT thì mọi người đều dành tình cảm đặc biệt cho NKT. Từ khi phụ trách bộ môn, tôi được chứng kiến mọi người yêu thương và coi nhau như người thân trong gia đình".

Trước mỗi giải đấu, anh Đỗ Ngọc Thanh lại cùng các huấn luyện viên (HLV) hỗ trợ các VĐV chuẩn bị hành trang lên đường. Anh cũng thường xuyên động viên, nhắc nhở các HLV rằng đây là đối tượng yếu thế nên ngoài yêu thương, bản thân HLV phải là người giúp họ hết tự ti và hòa nhập với cộng đồng. Tham gia tập luyện tại bộ môn cờ vua NKT Hà Nội từ năm 2011, VĐV Trần Thị Bích Thủy rất cảm động trước tình cảm của các HLV. Bích Thủy cho biết: “Em là NKT vận động từ nhỏ nên rất nhút nhát. Nhưng khi đến đây, các thầy cô luôn coi em là người bình thường, có hoạt động nào cũng cho em tham gia. Với em, cách động viên tốt nhất đối với NKT không phải là dùng những lời lẽ dễ nghe mà hãy đối xử với họ như những người bình thường. Dù tiếp xúc với anh Thanh chưa lâu nhưng em cảm nhận anh ấy là người ấm áp, hết mình bảo vệ quyền lợi cho NKT”.

Dù gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất tập luyện khi một số môn phải đi thuê địa điểm nhưng nhờ tinh thần đoàn kết vượt khó, những năm qua, thể thao NKT Hà Nội đã đóng góp quân số và thành tích chủ đạo cho thể thao NKT Việt Nam trên đấu trường quốc tế. Gần nhất, tại Giải vô địch thể thao NKT toàn quốc năm 2022, đoàn thể thao NKT Hà Nội đã giành vị trí nhất toàn đoàn với tổng số 36 huy chương vàng. Sắp tới, thể thao NKT Hà Nội sẽ cử các VĐV chủ chốt tham dự Đại hội thể thao NKT Đông Nam Á lần thứ 11, tại Indonesia.

Tinh thần đoàn kết, khí thế tập luyện sôi nổi là điều chúng tôi chứng kiến ở các VĐV thể thao NKT Hà Nội. Mặc dù công tác tại bộ môn chưa lâu nhưng anh Đỗ Ngọc Thanh đã tạo nên không khí sinh hoạt của một gia đình, bảo vệ và giúp đỡ nhiều NKT tự tin hòa nhập cuộc sống, nỗ lực đạt thành tích cao trong thi đấu. Ông Đặng Xuân Hưởng, Phó giám đốc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT Hà Nội đánh giá: “Anh Đỗ Ngọc Thanh là người tâm huyết, trách nhiệm và tận tụy với công việc. Những năm qua, anh Thanh cùng bộ môn thể thao NKT Hà Nội luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ. Trên cương vị Bí thư Chi bộ 4 của trung tâm, anh Thanh được các đồng chí, đồng nghiệp tin tưởng và đánh giá cao về chuyên môn, đạo đức”.

Trời đã về trưa nhưng các VĐV bộ môn bóng bàn NKT Hà Nội vẫn hăng say tập luyện. Thấy anh Đỗ Ngọc Thanh tới, mọi người đều niềm nở chào đón, trò chuyện với anh như người bạn gần gũi, thân tình. Dù ở tuổi 72 nhưng bác Bùi Hữu Định, thương binh hạng 1/4 luôn tràn đầy sự quyết tâm khi hằng tuần vẫn tự bắt xe buýt đi mấy chục cây số đến địa điểm tập luyện. Tại Giải vô địch thể thao NKT toàn quốc năm 2022 vừa qua, bác Định đã xuất sắc giành 1 huy chương vàng, 2 huy chương đồng. Bác bảo rằng, sở dĩ bác có sức khỏe tốt và luôn theo đuổi niềm đam mê bóng bàn vì ở đây mọi người sống với nhau hòa thuận, đặc biệt là có sự quan tâm của anh Đỗ Ngọc Thanh. Giọng bác sang sảng: “Tôi phục anh Thanh ở hai điều. Thứ nhất, anh ấy không phân biệt độ tuổi, hạng thương tật và đối xử với mọi người bình đẳng. Thứ hai, từng có thời điểm chúng tôi gặp nhiều khó khăn trong việc đi khám sức khỏe trước mỗi giải đấu vì những yêu cầu khắt khe của ban tổ chức. Khi về nhận nhiệm vụ, anh Thanh đã lên tiếng bảo vệ và góp phần giúp ban tổ chức thay đổi quy định”.

Còn với VĐV bóng bàn Nguyễn Thị Xiêm, anh Thanh là người luôn gần gũi, động viên mọi người trong cuộc sống và khi thi đấu. “Mỗi giải đấu, anh Thanh lại sắm vai một cổ động viên cuồng nhiệt trên khán đài, tiếp thêm tinh thần để chúng tôi thi đấu. Anh cũng thường quan tâm, mua đồ ăn cho chúng tôi và luôn tạo điều kiện để mọi người được giao lưu, gắn kết với cộng đồng. Sự nhiệt huyết, tận tâm với công việc của anh Thanh là động lực để tôi theo đuổi đam mê khi hằng ngày vẫn đi xe máy 3 bánh 20km đến tập luyện”, chị Nguyễn Thị Xiêm chia sẻ.

Dưới sự quản lý của anh Đỗ Ngọc Thanh, tập thể bộ môn thể thao NKT Hà Nội ngày càng gắn kết, đạt được nhiều thành tích cao. Dù vậy, theo anh Thanh, thành công của bộ môn có được là từ sự đoàn kết, nỗ lực của mọi thành viên. Anh mong muốn thể thao NKT Hà Nội có cơ sở vật chất tập luyện tốt hơn để VĐV NKT và cộng đồng NKT đến tập luyện. Khi nhắc đến đời sống của VĐV NKT, anh Thanh trải lòng: “Tôi mong đời sống tinh thần, chế độ, chính sách của VĐV NKT nói riêng và cộng đồng NKT nói chung sẽ sớm được cải thiện. Hiện tại, một số VĐV NKT của Hà Nội vẫn là trụ cột trong gia đình. Ngoài tập luyện thi đấu, họ vẫn phải tranh thủ làm việc ngoài giờ để kiếm thêm thu nhập. Tôi mong họ được hạnh phúc, có thu nhập tốt, được đối xử bình đẳng trong xã hội".