An Giang: Mong muốn luật hóa quy định về bữa ăn ca

Nguyễn Thị Quỳnh Mai
Người lao động mong muốn luật hóa quy định bữa ăn ca để đảm bảo dinh dưỡng, vệ sinh an toàn thực phẩm... 
angiangmongmuonsomlu-01-1654990266.jpg
Với đặc thù làm việc theo ca nên đa số công nhân lao động rất quan tâm đến chất lượng và an toàn thực phẩm bữa ăn ca.

Trước giờ diễn ra sự kiện Thủ tướng Chính phủ gặp gỡ, đối thoại với công nhân lao động, chị Nguyễn Phi Phụng - công nhân lao động Công ty Xuất nhập khẩu Thủy sản An Giang bày tỏ mong muốn Nhà nước, Chính phủ có những quy định cụ thể về bữa ăn ca. Đây cũng là tâm tư, ý kiến của nhiều công nhân lao động, nhất là lực lượng làm việc tại các đơn vị, doanh nghiệp có quy mô sử dụng đông đảo người lao động.

Bởi dù thời gian qua Đảng, Nhà nước và tổ chức Công đoàn từ Trung ương đến địa phương rất quan tâm đến bữa ăn ca, nhưng trên thực tế bữa ăn ca vẫn làm còn nhiều vấn đề cần quan tâm. Nguyên nhân cốt lõi là thiếu luật hóa.

Cụ thể, từ năm 2016, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam đã nhận ra tầm quan trọng của bữa ăn ca nên ban hành Nghị quyết số 7c/NQ-BCH (ngày 25.02.2016) về “Chất lượng lượng bữa ăn ca của người lao động”. Ngay lập tức, LĐLĐ tỉnh An Giang nhanh chóng triển khai, chỉ đạo các CĐCS chủ động đưa nội dung chất lượng bữa ăn ca vào nội dung đối thoại, thương lượng... nhằm ảm bảo bữa ăn ca chất lượng, an toàn thực phẩm với giá trị suất ăn từ 15.000 đồng trở lên. Nhưng đến cuối năm 2021, toàn tỉnh có 99/216 doanh nghiệp có tổ chức Công đoàn có hỗ trợ bữa ăn ca, đạt 46%.

Đến đầu năm 2022, Tổng LĐLĐ Việt Nam ban hành Kết luận 03/KL-BCH về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 7c/NQ-BCH ngày 25.02.2016 về “Chất lượng lượng bữa ăn ca của người lao động”. Theo đó, vận động chủ doanh nghiệp xem xét hỗ tợ nâng mức ăn ca cho công nhân lao động lên mức từ 18.000 - 25.000 đồng/người/bữa. Trên cơ sở đó, LĐLĐ tỉnh An Giang tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương hưởng ứng thực hiện và chỉ đạo các cấp Công đoàn tổ chức tuyên truyền, vận động chủ doanh nghiệp nâng mức hỗ trợ bữa ăn ca cho công nhân lao động. Tuy nhiên đến nay, mới có 06 doanh nghiệp bổ sung nội dung bữa ăn ca hoặc điều chỉnh mức hỗ trợ bữa ăn ca từ 16.000 - 26.000 đồng/người/bữa.

Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe công nhân lao động. “Chúng tôi phải làm việc theo ca nên rất cần bữa ăn đảm bảo dinh dưỡng, vệ sinh an toàn thực phẩm để có nhiều sức khỏe tham gia lao động sản xuất” - chị Phụng nhấn mạnh.

"Không chỉ có công nhân lao động, mà tổ chức Công đoàn với tư cách là đại diện bảo vệ quyền lợi cho công nhân lao động cũng mong Chính phủ sớm giải quyết nguyện vọng chính sáng này. Rất mong muốn cơ quan chức năng ban hành văn bản quy phạm pháp luật qui định cụ thể về chất lượng bữa ăn ca. Điều này không chỉ bảo vệ sức khỏe người lao động mà còn là là doanh nghiệp, vì sức khỏe công nhân lao động là tài sản của doanh nghiệp” - ông Trần Lưu Phong, Trưởng Ban Chính sách pháp luật - Quan hệ lao động (LĐLĐ tỉnh An Giang) chia sẻ.

Trước mắt, LĐLĐ tỉnh An Giang tiếp tục tham mưu UBND tỉnh An Giang đặc biệt quan tâm vấn đề này và tăng cường chỉ đạo sở, ngành chức năng quản lý nhà nước về doanh nghiệp, quản lý lao động để nâng chất bữa ăn ca cho công nhân lao động.